Năng lực đề kháng giúp doanh nghiệp Việt vượt khủng hoảng
(DNTO) - Chiều 10/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp tổ chức diễn đàn "Quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn mới" trong khuôn khổ chương trình "Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp”.
Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp - “hàn thử biểu” của cộng đồng doanh nghiệp Việt
Tại chương trình, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, đây là chương trình được triển khai thường niên từ năm 2013, trên cơ sở khảo sát, đánh giá 21 tiêu chí tài chính liên quan đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh và các yếu tố thị trường, sản phẩm, cạnh tranh của gần 1.600 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam, thuộc 32 lĩnh vực kinh tế, với phương pháp đánh giá toàn diện, đảm bảo kết quả chính xác và khách quan.
Theo ông Lộc, thông qua kết quả khảo sát mà VCCI cung cấp, các doanh nghiệp cũng nắm được tình hình “sức khỏe” của mình, qua đó khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là kết quả thẩm định năng lực doanh nghiệp giúp các đối tác, các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông ra quyết định đầu tư hợp lý và hiệu quả.
Cũng như mọi năm, năm 2020, VCCI chỉ đạo 4 đơn vị thực hiện khảo sát, đánh giá và tổ chức công bố, trao chứng nhận cho 15 doanh nghiệp niêm yết có hiệu quả kinh doanh tốt 3 năm liên tiếp (2017 - 2020) và TOP 50 doanh nghiệp Niêm yết có Năng lực Cạnh tranh tốt nhất năm 2019. Đây là sự ghi nhận và động viên kịp thời đối với các doanh nghiệp có thành tích tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm nay, với mong muốn đa dạng hơn nữa và giúp các doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về xu thế quản trị trong giai đoạn mới, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, VCCI và các đơn vị thực hiện quyết định tổ chức thêm phần tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế về vấn đề nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp được vinh danh và trao chứng nhận đợt này không chỉ là những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt nhất, mà còn là những doanh nghiệp có thương hiệu uy tín, vốn hóa trên thị trường lớn, quản trị nhân sự tốt nhất, quy mô thị trường lớn, doanh thu và sự ổn định bền vững nhất.
TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp Inbus, bên cạnh mục đích lực chọn ra các doanh nghiệp có năng lực hoạt động tốt thông qua các chỉ số kinh doanh để công nhận, công bố, đây còn là một nguồn thông tin cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách.
“Với những kết quả thu được của công cụ đánh giá này có thể lập cho mỗi doanh nghiệp một bộ hồ sơ sức khỏe doanh nghiệp. Khi đó, việc trợ giúp cho các doanh nghiệp bằng nguồn lực của Chính phủ hoặc của các tổ chức trong và ngoài nước trở nên thuận lợi và hữu hiệu hơn”, TS. Quân nói.
Cũng theo ông Quân, các chỉ số được đánh giá cho từng doanh nghiệp, được sử dụng để so sánh giữa hai năm liên tiếp nhằm xác định mức độ cải thiện năng lực tài chính doanh nghiệp.Kết quả này cũng được sử dụng để so sánh chéo giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành để xác định vị trí của doanh nghiệp.
Bên cạnh chương trình “Đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương (PCI)” mà hàng năm VCCI đã công bố thì chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp” cũng sẽ là thước đo không thể thiếu của nền kinh tế, là “hàn thử biểu” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ hữu ích cho công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập trong giai đoạn hiện nay.
“Năng lực đề kháng” giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng
Chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp tại diễn đàn "Quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn mới" trong khuôn khổ chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp", bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco chia sẻ, phát triển bền vững là chiến lược hoạt động bền bỉ của Traphaco, từ các sản phẩm xanh đến các tiêu chí trong sản xuất.
Ngay trong giai đoạn khủng hoảng của đại dịch Covid-19, Traphaco vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu 12% trong 10 tháng đầu năm nay, hiệu quả kinh doanh rõ nét trong bối cảnh khó khăn. “Có một thực tế, khi bối cảnh khó khăn phải cắt giảm chi tiêu, người tiêu dùng sẽ lựa chọn doanh nghiệp uy tín, doanh nghiệp phát triển bền vững”, bà Thuận chia sẻ.
“Ở công ty chúng tôi, con người là trung tâm trong phát triển. Bên cạnh đó, Traphaco cũng chú trọng việc quản trị, thậm chí thuê đơn vị quản trị riêng để phát huy được những giá trị cốt lõi, coi đây là sức mạnh nội lực, là "đề kháng" của doanh nghiệp để ứng phó được với những rủi ro”, bà Thuận nói thêm.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Traphaco, thay đổi nhanh chóng, thích nghi với bối cảnh mới cũng là bài học kinh nghiệm giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng.
Đánh giá chiến lược phát triển bền vững, xây dựng văn hoá doanh nghiệp của Traphaco là “cách chơi” tạo khác biệt, TS Nguyễn Mạnh Quân cho rằng. đây là phương thức giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh, cũng là phương thức kinh doanh có trách nhiệm đang được giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.