Vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận với gói hỗ trợ Covid-19?
(DNTO) - Trong dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dù được ban hành kịp thời, song việc thực thi còn nhiều hạn chế, quy định ngặt nghèo, bất hợp lý. Vì thế, các doanh nghiệp không trông chờ nhiều vào sự giải cứu từ phía Chính phủ, mà tự tìm giải pháp cứu mình là chính.
Còn khoảng cách rất lớn giữa chính sách hỗ trợ Covid-19 so với thực tế
Tại Diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”, diễn ra hôm qua (8/12), đánh giá tổng quan các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch Covid-19, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: Covid-19 với những diễn biến khó lường đã và đang tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại đầu tư và tới tất cả các nhóm doanh nghiệp, khiến cho doanh thu năm 2020 của khu vực doanh nghiệp dân doanh giảm 72%, và của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 69% so với năm 2019…
Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 đã góp phần tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử… và giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời giúp rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu, khẩn trương phục hồi và phát triển các ngành như du lịch, hàng không.
Cùng với đó, Nhà nước cũng đã có các gói hỗ trợ tiêu biểu như gói hỗ trợ tín dụng 250 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, hay gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng…
Giá các loại hình dịch vụ cũng được điều chỉnh như giá điện, giá dịch vụ hàng không, chứng khoán… nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm giá điện nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiền thuê đất cũng được điều chỉnh giảm 15%. Cùng với việc cho phép gia hạn nộp tiền thuê đất, doanh nghiệp còn được giãn, hoãn nộp nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, lãi suất cho vay, bảo hiểm xã hội…
“Mức giảm các khoản phí, lệ phí là tương đối lớn, tối thiểu 50% so với quy định cũ. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng. Đây là một nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong điều kiện ngân sách nhà nước bị hụt thu tương đối lớn do dịch bệnh”, đại diện VCCI cho hay.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, hiệu quả của việc thực thi một số chính sách chưa thực sự đạt được như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Phản ánh từ nhiều doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế cho thấy còn nhiều ý kiến phàn nàn, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ theo từ ngành, lĩnh vực kinh tế.
“Tính đến đầu tháng 10/2020, gói hỗ trợ an sinh xã hội mới giải ngân được 11.000 tỷ đồng, tương ứng 17,7%, một tỷ lệ rất thấp. Đối với gói vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% cho doanh nghiệp vay trả lương người lao động, tính đến đầu tháng 10/2020, mới chỉ có 1 doanh nghiệp vay được gói này”, ông Tuấn chỉ ra.
Doanh nghiệp khó tiếp cận với chính sách hỗ trợ
Chia sẻ về những khó khăn hiện các doanh nghiệp đang gặp phải, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch.
Cụ thể, năm 2019, ngành du lịch đón 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa doanh thu của ngành đạt khoảng 33 tỷ USD. Tuy nhiên năm 2020, ước tính khách quốc tế chỉ đạt khoảng 3 triệu lượt (giảm 80%), khách nội địa đạt khoảng 50 triệu (giảm 50%), doanh thu của ngành ước tính sụt giảm khoảng 23 tỷ USD.
Đại dịch Covid-19 khiến khoảng 90% lao động nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc, cùng với đó, khoảng 60% doanh nghiệp trong ngành hiện ngừng hoạt động… Thiệt hại có thể nhìn thấy rất rõ, song theo ông Bình, các doanh nghiệp ngành du lịch tiếp cận được chính sách hỗ trợ rất hạn chế.
Ông Bình dẫn chứng, hiện ngành du lịch có tới 40.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp tiếp cận được gói vay trả lương người lao động.
“Tại TP.HCM chỉ có 20 hướng dẫn viên du lịch được nhận hỗ trợ trên tổng số hàng ngàn hướng dẫn viên. Việc vay vốn ngân hàng cũng rất khó khăn, đa số các ngân hàng vẫn đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, song đối với các doanh nghiệp như doanh nghiệp lữ hành, phần lớn không có tài sản thế chấp nên cũng không thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng của ngành Ngân hàng. Rõ ràng ở đây chính sách hay vô cùng, nhưng rào cản của chính sách lại rất lớn”, ông Bình bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, nhiều chính sách hỗ trợ không chỉ đề ra những tiêu chuẩn quá khắt khe, mà các thủ tục đi kèm cũng rất phức tạp, phiền hà khiến doanh nghiệp không “mặn mà” với các gói hỗ trợ.
“Doanh nghiệp sợ nhất là các thủ tục yêu cầu chứng minh về tài chính, doanh thu, trong khi đó nhiều chính sách hỗ trợ bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện những thủ tục này để được xác nhận thuộc đối tượng hỗ trợ, điều đó khiến doanh nghiệp chấp nhận thà không được hưởng hỗ trợ còn hơn là phải chạy vạy khắp nơi xin xác nhận”, ông Cẩm thẳng thắn nói.
Ngoài ra, điều khiến các doanh nghiệp quan ngại, theo ông Cẩm là việc chậm trễ trong sửa đổi những vướng mắc, bất cập của các chính sách đã ban hành.
“Sau nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về sự bất cập trong một số quy định của gói 16.000 tỷ đồng, cơ quan chức năng đã nhận thấy và tiếp thu, nhưng phải 6 tháng sau mới có văn bản chỉnh sửa. Việc chậm trễ sửa đổi bất cập trong chính sách như vậy vô hình trung đã làm lỡ mất thời cơ cứu doanh nghiệp, bởi lúc khó khăn nhất, lúc doanh nghiệp có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản thì doanh nghiệp lại không được hỗ trợ”, ông Cẩm nói.
Trước những bất cập trong việc thực thi chính sách hỗ trợ thời gian qua, từ góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, các cơ quan ban, ngành và địa phương cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp.
Đồng thời, cần tiếp tục thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và trong từng giai đoạn. Ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa; bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này.
"Cần tránh hiện trượng trục lợi từ chính sách hỗ trợ bởi tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn nên một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch…song cũng lại có một số ngành có cơ hội phát triển tốt như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bưu chính, chuyển phát…", ông Tuấn nói.
Nhà nước cần kéo dài thời gian của các gói hỗ trợ để doanh nghiệp đủ thời gian hoãn các khoản được hoãn; giãn trong thời gian qua để kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch để bảo đảm doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận, hiểu rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đúng người, kịp thời.