Gỡ ‘nút thắt’ cho ‘chợ’ mua bán nợ xấu: Cần sự vào cuộc đồng bộ
(DNTO) - Dự kiến trong quý 3 năm nay, sàn giao dịch nợ VAMC sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn sơ khai. Để vận hành thị trường mua bán nợ, các chuyên gia cho rằng cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành nhằm có một hành lang pháp lý cụ thể.
“Chợ” kết nối mua bán nợ
Từ trước đến nay, các ngân hàng chủ yếu đăng thanh lý, phát mãi tài sản hay đấu giá các khoản nợ trên website của mình. Do vậy, người mua sẽ phải tìm kiếm ở rất nhiều trang web khác nhau, nên không tập trung và khó giao dịch. Để tháo gỡ, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã lên kế hoạch đưa sàn giao dịch nợ xấu vào hoạt động.
Theo đó, sàn giao dịch nợ có 2 mảng hoạt động. Một là môi giới, kết nối cung - cầu thị trường. Hai là tư vấn, dàn xếp việc mua bán giữa các bên.
TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, sàn giao dịch nợ VAMC được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của các tổ chức tín dụng, các công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (AMC) và nhiều nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký thành viên, sử dụng dịch vụ và giao dịch trên sàn, qua đó hứa hẹn sẽ tạo lập một môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, hiệu quả tại Việt Nam; từ đó góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển.
“Như vậy, sàn giao dịch nợ là trung gian, là “chợ” kết nối mua bán nợ và tài sản giữa các thành viên với nhau. Ví dụ, ông A có một khoản nợ niêm yết trên sàn, “chợ” làm nhiệm vụ giới thiệu để các thành viên xem xét và mua. Thông qua đó, sàn sẽ tư vấn cho cả bên mua lẫn bên bán, soạn thảo hợp đồng. Thành viên niêm yết trên sàn có “hàng” cứ việc niêm yết trên đó”, ông Đoàn Văn Thắng chia sẻ.
Ở góc độ chuyên gia pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, điều kiện cần và đủ để sàn đi vào hoạt động, quan trọng nhất là công khai minh bạch thông tin rộng rãi về các khoản nợ.
“Thị trường có thể tiếp cận, giống như câu chuyện đấu thầu đấu giá. Khi nhiều người đều biết về khoản nợ đó sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, với giá bán được tiếp cận tốt nhất để mua bán, đó là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là phải thực sự giải quyết bản chất giao dịch. Còn hiện nay mới ở kênh niêm yết, tạo điều kiện bước đầu người mua - người bán đến với nhau để hình thành thị trường”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Được biết, hiện có khoảng 30 thành viên đăng ký tham gia sàn giao dịch nợ, chủ yếu là các công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, để thu hút thêm nhà đầu tư, các chuyên gia khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đất đai, cho phép nhà đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân nhận thế chấp sử dụng đất.
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Kỳ vọng về một sàn mua bán nợ có hoạt động giao dịch sôi động khi có rất nhiều hàng hóa được rao bán nhộn nhịp trên thị trường và tài sản khá đa dạng của lãnh đạo VAMC là đương nhiên. Nhưng trên thực tế, nếu chỉ có hàng hoá thì chưa đủ để thị trường mua bán nợ đi vào hoạt động. Điều quan trọng nhất đối với thị trường mua bán nợ tại Việt Nam đó là khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia của thị trường.
Nói về vấn đề này, LS. Trương Thanh Đức cho biết: “Điều 179 khoản 1 quy định, tổ chức kinh tế, cá nhân chỉ được nhận thế chấp quyền sử dụng đất cá nhân hộ gia đình, không được phép nhận thế chấp đất của tổ chức kinh tế. Trong khi nợ đây chủ yếu là nợ của các doanh nghiệp, đương nhiên họ mua bán nợ mà lại không được quyền thế chấp quyền sử dụng đất thì không mua bán được, không thực hiện được trên thực tế, không chỉ ngoài nước mà cả trong nước cũng không thực hiện được”. Và đây là một trong những nút thắt của chợ mua bán nợ.
Ở góc độ chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đã nêu rõ rào cản mà sàn giao dịch nợ xấu sẽ gặp phải khi đi vào hoạt động.
“Với 65% tài sản đảm bảo vẫn là bất động sản, những vướng mắc trong thẩm định giá tài sản đảm bảo là khá lớn, bởi một số địa phương chỉ chấp nhận tổ chức của mình thẩm định mà không cho doanh nghiệp ở địa phương khác vào cuộc. Chưa kể Luật Đất đai chưa cho phép cá nhân hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhận thế chấp quyền sử dụng đất khiến việc thu hút dòng tiền, nhất là dòng tiền nước ngoài tham gia xử lý nợ sẽ bị hạn chế”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, nhận định: "Hiện nay nợ xấu vẫn đang giao dịch theo hợp đồng, tức là đã đàm phán rất kỹ về điều khoản quyền lợi, nghĩa vụ. Do đó, với sàn thì phải tạo ra thứ hàng hoá được mua bán thật dễ dàng. Ở đây còn liên quan đến quy định chứng khoán hoá các khoản nợ xấu để rất nhiều thành phần nhà đầu tư có thể tham gia vào quá trình này. Muốn vậy thì Luật Chứng khoán phải cho phép…".
Như vậy, thị trường này tuy đã có, nhưng vẫn còn sơ khai. Theo đó, để vận hành thị trường mua bán nợ, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành nhằm có một hành lang pháp lý cụ thể để thị trường hoạt động.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, điều quan trọng nhất là làm sao thu hút được nhà đầu tư ngoại tham gia mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có thị trường chính thống, chuyên nghiệp, đã cản trở mua bán nợ của các nhà đầu tư ngoại.
Đến nay, quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu nói riêng còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các ngân hàng xử lý nợ xấu.
Cụ thể, chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá thực hiện. Việc ban hành một khung pháp lý hoàn chỉnh, vững chắc về xử lý nợ xấu không chỉ giúp ngân hàng bớt thấp thỏm trong xử lý nợ xấu, mà còn khiến nhà đầu tư yên tâm hơn khi tham gia thị trường này.