Lợi nhuận ngân hàng 'khủng', nhờ đâu?
(DNTO) - Trong bối cảnh "bóng đêm" Covid-19 bao trùm, nền kinh tế khó khăn, doanh nghiêp lao đao, song hầu như không một ngân hàng nào sụt giảm lợi nhuận, thậm chí còn lập cú đúp ngoạn mục khi ghi nhận lãi tăng đột biến 3-5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng hồ hởi báo lãi đậm
Vào những ngày cuối tháng 7/2021, nhiều ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, Kienlongbank, LienVietPostBank, Techcombank, ABBank, VPBank, VIB… đều hồ hởi công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh, thậm chí có ngân hàng ghi nhận lãi tăng gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Techcombank đạt 11.500 tỷ đồng, tăng trưởng 71,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu nhập hoạt động tăng 52,1%, đạt 18.100 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) 3,7%. Mức tăng này có thể nói hết sức ngoạn mục trong bối cảnh hầu hết ngành nghề, doanh nghiệp đều khó khăn.
Tương tự, LienVietPostBank cũng chỉ cần nửa năm để hoàn thành 2/3 chỉ tiêu lợi nhuận năm với 2.000 tỷ đồng. Hay lợi nhuận trước thuế của OCB tăng trưởng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.661 tỷ đồng.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó mảng ngân hàng (NH) riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất. VIB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.952 tỷ đồng, tăng trưởng 68%.
Lợi nhuận của Vietcombank đạt hơn 14.500 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 58% kế hoạch năm. Với đà kinh doanh này, mục tiêu lợi nhuận 25.000 tỷ đồng cả năm có thể đạt được.
Tương tự, Ngân hàng OCB báo lãi trước thuế quý 2 tăng 83% so cùng kỳ, ghi nhận hơn 1.385 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2021, OCB báo lãi trước và sau thuế tăng lần lượt 43% và 42% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.661 tỷ đồng và gần 2.120 tỷ đồng, tương đương thực hiện được 48% kế hoạch năm.
Trong đó, xét riêng trong quý 2/2021, có 3 ngân hàng tăng trưởng trên 10 lần về lợi nhuận gồm VietCapitalBank, NCB, NamABank, và bên cạnh là hàng chục ngân hàng khác có lợi nhuận tăng từ 2-3 lần.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm của hàng loạt ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận từ 3-5 lần so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có thể kể đến NamABank, VietCapitalBank, Kienlongbank, NCB, MSB.
Cụ thể, NamABank có lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 1.073 tỷ đồng, cao gấp 5,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Hay như NamABank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 là 1.400 tỷ, như vậy chỉ sau 6 tháng, nhà băng này đã hoàn thành được 3/4 kế hoạch cả năm.
Nguyên nhân do đâu?
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), lợi nhuận của từng ngân hàng đến từ các mảng kinh doanh khác nhau, chứ không hẳn vấn đề chênh lệch lãi suất huy động và cho vay. Do đó, lợi nhuận ngân hàng cần phải được hiểu đúng, nhìn nhận khách quan, toàn diện ở các góc độ.
“Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nâng cao được năng lực quản trị, tài chính thông qua tăng vốn điều lệ, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II. Nhiều ngân hàng trong nhiều năm không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là nhiều ngân hàng đã gặt hái được những trái ngọt đầu tiên từ việc mạnh tay đầu tư cho nền tảng số và thay đổi chiến lược kinh doanh. Việc chuyển đổi số đã giúp họ tiết giảm được nhiều chi phí trong hoạt động, gia tăng nguồn tiền gửi thanh toán từ khách hàng - là nguồn vốn có lãi suất rất thấp, từ đó cải thiện biên lãi ròng NIM.
Trước đây, các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh vì khó mở thêm các phòng giao dịch, chi nhánh mới. Nhưng nhờ ngân hàng số, họ có khả năng tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn khi ứng dụng định danh khách hàng điện tử eKYC, giúp các TCTD gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.
Theo ông Hùng, khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các TCTD đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận. Điều này phù hợp với xu thế quốc tế.
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các TCTD đang mang lại hiệu quả cao. Tính đến nay, 21 tổ chức tín dụng đã mua lại các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hoạt động trích lập dự phòng rủi ro cũng được tăng cường.
“Các TCTD đã tích cực mở rộng hoạt động dịch vụ như: Ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác giúp tăng thu nhập từ các hoạt động này”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.
Về phần mình, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập cho biết, lợi nhuận tăng mạnh đến từ 2 nguyên nhân:
Thứ nhất, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng tương đối tốt, lên tới 5,47%, trong khi huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng.
Thứ hai, chi phí hoạt động của các ngân hàng năm nay tương đối thấp do dự phòng nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vẫn cho phép các ngân hàng không chuyển nhóm nợ của một số khách hàng nợ trả chậm. Từ đó dự phòng rủi ro thấp hơn thực tế trên sổ sách.
Ngoài ra, nguồn thu từ dịch vụ và thu nhập từ phí cũng đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của các nhà băng thời gian gần đây.
Đồng thời, thu nhập ngoài lãi ở các ngân hàng 6 tháng qua đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ nên đã tác động tới lợi nhuận tăng đáng kể.