Từ nay đến cuối năm, cổ phiếu ngân hàng còn sức hút?
(DNTO) - Từng được mệnh danh là "cổ phiếu vua", cổ phiếu ngân hàng liệu có tìm lại vị trí này của mình trong giai đoạn tới?
Nhiều kỳ vọng tăng trưởng
So với các ngành khác, nhóm ngân hàng có nhiều sức hút nhất với các nhà đầu tư chứng khoán. Hiện cổ phiếu của nhóm ngành này chiếm tỷ trọng không hề nhỏ về vốn hóa cũng như lợi nhuận trên thị trường. Theo thống kê của ACBS, trong cơ cấu VN-Index, ngành này chiếm tỷ trọng 34% về vốn hóa tính đến ngày 30/6/2021, và chiếm 43,3% về lợi nhuận. Điều này cũng đủ thấy vị trí quan trọng của nhóm ngành này với chứng khoán trong nước.
Điểm sáng đến với cổ phiếu ngân hàng khi kết quả kinh doanh quý 2 của các ngân hàng niêm yết mới được công bố. Bất chấp những khó khăn của dịch bệnh, nhiều ngân hàng vẫn báo lãi lớn, hoàn thành tốt so với các kế hoạch đề ra.
Thống kê của VNDirect tính đến ngày 23/7 cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận quý 2 của ngành ngân hàng là 48%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 21%. Tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 59,3%; đóng góp 26% tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán riêng trong quý 2.
Phát biểu trong buổi tọa đàm về chứng khoán vừa được Công ty Chứng khoán SSI tổ chức mới đây, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI mang đến tin vui cho nhà đầu tư khi nhận định: "Ngân hàng là ngành đã có sự thay đổi tích cực so với chu kỳ tín dụng trước đây, khiến cho định giá ngân hàng đang quay về mức đỉnh".
Theo bà Phương, lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cao xuất phát cả từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, bà Phương cho rằng, lãi suất giảm liên tục và duy trì ở mức thấp thời gian dài là một yếu tố khá phù hợp cho hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, so sánh với nền cơ sở thấp của nửa đầu năm 2020 khi các ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thì nửa đầu năm nay ngành ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tốt.
Về nguyên nhân chủ quan, theo bà Phương, có các yếu tố như khả năng quản trị rủi ro của các ngân hàng thời điểm này tốt hơn trước rất nhiều đã giúp ngân hàng quản trị rủi ro hiệu quả. Ngoài ra, ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn nhưng chi phí quản lý thấp hơn. Mức chi phí quản lý trên thu nhập các ngân hàng đã giảm mạnh trong 4 năm qua, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ, giúp lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng mạnh. Một số sản phẩm tài chính đa dạng như bảo hiểm nhân thọ, trái phiếu doanh nghiệp..., cũng góp phần tích cực cho lợi nhuận ngân hàng.
Báo cáo mới đây về ngành ngân hàng, ACBS cũng nhận định, ngân hàng hiện là ngành chống chọi tốt nhất trước dịch bệnh. Lý do được ACBS đưa ra khẳng định cho luận điểm của mình là: chính sách tín dụng chặt chẽ giúp giảm rủi ro tín dụng và nợ xấu; xu hướng vay bán lẻ giúp rủi ro được phân tán; dư nợ ở các lĩnh vực chịu tác động dịch bệnh chiếm tỷ trọng ít. Ngoài ra, lãi suất huy động đầu vào giảm khiến CASA tăng lên và NIM được cải thiện.
"Tại ngày 12/7, ngành ngân hàng đang giao dịch P/E và PB/ là 14,1 và 2,4 lần, không có nhiều khác biệt so với 5 năm trước. Ngoài ra ROE 18,6 và kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng, nên định giá hiện tại là hợp lý", ACBS nhận định.
Cổ phiếu ngân hàng từng có giai đoạn làm mưa làm gió trên thị trường, tuy nhiên thời gian vừa qua, trong sự điều chỉnh của thị trường, cổ phiếu cũng chịu tác động, đặc biệt khi có thông tin các ngân hàng hạ lãi suất đồng hành cùng doanh nghiệp trong mùa dịch, cùng đó là nỗi lo về nợ xấu... Và để tiếp tục thu hút được dòng tiền, cổ phiếu ngân hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Cần có câu chuyện riêng
Theo ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Quỹ ETF (SSIAM), hiện tại của các nhà đầu tư (với 85% là cá nhân), nhìn chung đầu tư theo xu thế cứ thấy cổ phiếu nào mạnh sẽ tham gia, nhưng khi cổ phiếu suy giảm thì nhà đầu tư sẽ rút đi và đổ tiền vào các cổ phiếu tăng trưởng bùng nổ hơn.
Do đó, để vượt qua được thực tế này, "ngân hàng nói chung và doanh nghiệp tài chính nói riêng phải có câu chuyện tiếp theo tạo ra chất xúc tác mới hòng có dòng tiền quay lại", ông Hạnh nhận định. Cũng theo ông, ngoài cách trên ra chỉ còn yếu tố là giá cổ phiếu rất rẻ thì dòng tiền mới quay lại với cổ phiếu ngân hàng.
Cũng theo ông Hạnh dự báo, đối với nhóm ngành chiếm 35% vốn hóa thị trường như ngân hàng, nếu thị trường đi lên thì ngành này sẽ không thể đi xuống. Còn nếu thị trường đi xuống thì ngành này cũng sẽ đi xuống.
Trong khi đó theo ACBS, “nhóm ngân hàng có bảng cân đối vững chắc, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ và định giá vẫn còn ở mức hợp lý sẽ là cơ hội đầu tư đáng tin cậy trong bối cảnh dịch bệnh nhen nhóm”.
Theo một số chuyên gia, giá cổ phiếu còn phụ thuộc cung cầu của thị trường, ngoài ra tốc độ kìm hãm dịch bệnh Covid-19 cũng có ý nghĩa quyết định với thị trường trong thời gian tới.