Đầu tư chứng khoán khôn ngoan: Đừng bỏ qua yếu tố kinh tế vĩ mô
(DNTO) - Việc nắm rõ một cách hệ thống và bài bản với các yếu tố kinh tế vĩ mô luôn cần thiết với các nhà đầu tư, đặc biệt với các nhà đầu tư chứng khoán F0.
Thị trường chứng khoán luôn có nhiều biến động trồi sụt. Với các nhà đầu tư F0, khi kinh nghiệm còn non trẻ, thậm chí nguồn vốn đôi khi hạn hẹp, thì việc tìm nguồn thông tin tiếp cận làm bàn đạp cho các quyết định đầu tư của mình không hề đơn giản.
Theo các chuyên gia đến từ công ty Chứng khoán SSI, các yếu tố kinh tế vĩ mô vô cùng quan trọng với hoạt động đầu tư tài chính. Tuy nhiên hiện tại, nhiều nhà đầu tư chứng khoán lại đang dễ dàng bỏ qua, hoặc chưa thực sự đánh giá đúng sự cần thiết của các yếu tố này trong kế hoạch đầu tư của mình.
Đừng để thua lỗ mà không biết vì sao?
Tại buổi tọa đàm trực tuyến về thị trường chứng khoán diễn ra hôm nay, 21/7, ông Lê Quý Hải, Phó Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ SSI, cho biết hiện nay có một thói quen không tốt của nhà đầu tư là khi thị trường đang chu kỳ tăng điểm thì nhà đầu tư bỏ qua các yếu tố vĩ mô, và cho rằng việc cổ phiếu mình mua tăng điểm là do đã lựa chọn đúng.
Tuy nhiên, theo ông Hải, khi thị trường xuất hiện phiên điều chỉnh, giá sụt giảm thì nhà đầu tư lại đổ dồn đến các yếu tố vĩ mô. Lúc này các yếu tố vĩ mô lại trở nên cực kỳ quan trọng.
Nếu nắm được hệ thống và bài bản các yếu tố vĩ mô, nhà đầu tư sẽ xây dựng được kế hoạch đầu tư phù hợp.
Ông Phạm Lưu Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI đưa ví dụ cụ thể: "Nếu bạn biết trước Việt Nam đang trong quá trình hồi phục kinh tế khá tốt, bạn đang kiếm tiền tốt ở mảng phái sinh, tuy nhiên tình trạng này có thể không kéo dài nên bạn phải chuyển sang trạng thái đầu tư phù hợp với dài hạn, nếu không khi tình hình thay đổi, bạn có thể thua lỗ mà không hiểu vì sao?".
Điểm mặt những yếu tố vĩ mô đang tác động đến thị trường trong giai đoạn này, ông Hải nhấn mạnh, thứ nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều địa phương đang gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư. Cộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chuỗi cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp bị đứt gãy, trong bối cảnh hiện nay đang là mùa cao điểm xuất khẩu hàng hóa.
Trong khi đó, vừa qua, hệ thống ngân hàng phát đi thông báo giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các ngân hàng đang cắt bớt lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế, lại thêm rủi ro nợ xấu nên nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng sẽ có ít nhiều quan ngại, bớt lạc quan hơn.
Ngoài các yếu tố trên, các vấn đề như lạm phát, chỉ số GDP, lãi suất... cũng là vấn đề các nhà đầu tư không thể bỏ qua.
Đừng định kiến với các số liệu vĩ mô
Hiện rất nhiều nhà đầu tư có định kiến với các số liệu kinh tế vĩ mô trong nước. Ông Phạm Lưu Hùng đã chỉ ra một số sai lầm mà các nhà đầu tư hay gặp phải: Thứ nhất, theo ông Hùng, hiện nhiều nhà đầu tư cho rằng các số liệu vĩ mô được công bố trong nước "là sai, không đáng tin cậy, không có giá trị sử dụng".
Ông Hùng cho biết, Việt Nam là quốc gia duy nhất có số liệu vĩ mô công bố cuối tháng. Ngay cả khi thời điểm thống kê chưa kết thúc thì Việt Nam đã có rồi. GDP ngay cuối quý đã có rồi, trong khi đó các nước phải tháng tiếp theo. Chính điều này "tạo cảm giác không chính xác" với các nhà đầu tư.
Số liệu vĩ mô của nước nào cũng vậy, sẽ có nhiều kỳ tính toán. Đầu tiên là ước tính ban đầu, sau đó sẽ có số liệu cập nhật và số liệu cuối cùng sẽ ở quý tiếp theo. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để nhà đầu tư dự báo hiệu quả kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mình quan tâm.
"Số liệu ở nước ta hiện khá tốt. Bạn phải theo dõi, đừng “sổ toẹt” là không chính xác", ông Hùng khuyến nghị.
Một vấn đề nữa được ông Hùng đặt ra là tâm lý "sinh ngoại" của nhà đầu tư khi dành tin tưởng nhiều cho nguồn thông tin từ nước ngoài. Ví như khi nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều, lập tức các nhà đầu tư trong nước nghĩ ngay họ có thông tin gì. Khối ngoại có quan điểm và cách nhìn nhận riêng, vì vậy theo ông Hùng: "Báo chí nước ngoài chỉ mang tính tham khảo và không phù hợp với tình hình Việt Nam. Họ không hiểu hết câu chuyện Việt Nam và đưa ra dự báo đơn giản”.
Đơn cử thời gian qua, nhiều báo cáo từ nước ngoài đã phải điều chỉnh dự báo về các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam do trước đó dự đoán khá cao. Gửi lời khuyên cho các nhà đầu tư, ông Hùng nhận định: "Nếu có cái đầu định kiến bạn sẽ khó trong hoạt động đầu tư".
Đồng quan điểm, ông Lê Quý Hải cũng cho biết thêm: “Nhà đầu tư cần có cách sàng lọc thông tin theo thời gian, dần dần đúc kết phương pháp tiếp nhận thông tin hiệu quả ở thời điểm đó”.