Chứng khoán tuần qua: Có hay không 'cá mập'?
(DNTO) - Chứng khoán đã có một tuần (5-9/7) giao dịch ảm đạm nhất trong 6 tháng qua. Đặc biệt, phiên thứ Ba, 6/7, thị trường rớt thảm một cách bất ngờ khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu có hay không "cá mập' chi phối thị trường? Những rủi ro trên có còn lặp lại?
Nhiều nhà đầu tư gọi phiên giao dịch ngày 6/7 là "phiên ATC bịt mắt", bởi chỉ trong khoảng thời gian ngắn cuối phiên, thị trường nhuộm sắc đỏ, VN-Index đang ở đỉnh cao bất ngờ sụt mất 56 điểm.
Nhà đầu tư ngỡ ngàng và không ít người rơi vào hoảng loạn khi công sức đầu tư một thời gian dài đã "không cánh mà bay".
"Mọi diễn biến chỉ trải qua 5-10 phút, lấy đâu ra mà bán tháo và kích hoạt điểm bán được?", một nhà đầu tư cho biết. Đa phần họ đang hoài nghi về một "cá mập" đứng sau vụ việc này.
Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, "cá mập chỉ có trong truyền thuyết". Việc thị trường lên hay xuống theo ông Điệp đều do tác động bởi tâm lý, thông tin và quan trọng là nội tại thị trường.
Giải thích về hiện tượng bán tháo trong ngày 6/7, theo ông Điệp, chỉ là "sự cộng hưởng của đám đông thiếu sự dẫn dắt" và "đến một thời khắc nhất định, dòng tiền thông minh, lớn sẽ gia nhập thị trường và khi đó, thị trường mới có thể tăng trưởng bền vững".
Ông Đoàn Tú, chuyên gia tư vấn chứng khoán, CEO của Finck.vn, trả lời báo chí rằng phiên giảm mạnh ngày 6/7 không phải đến từ nhà đầu tư cá nhân bởi theo ông, trong cả phiên, thị trường vẫn giữ sắc xanh ổn định, chỉ trong phút cuối trước đợt khớp lệnh ATC, điểm số mới sụt giảm. Thị trường sụt giảm đột ngột như vậy thì nhà đầu tư tư nhân khó mà phản ứng kịp.
"Sau các phiên giảm sốc thì thị trường hồi lại là điều bình thường. Hầu hết những ai có kinh nghiệm đều phải biết đón giá ở nhịp giảm đầu tiên theo quán tính. Do đó, cơ hội ngắn hạn ở một số cổ phiếu tốt, cổ phiếu trụ vẫn còn, nhà đầu tư thích mạo hiểm có thể giải ngân", ông Tú cho biết.
Trước sự biến động của thị trường, việc tích lũy kiến thức là rất quan trọng trong quá trình đầu tư không chỉ với F0 mà ngay cả Fn. Nhà đầu tư cần có kế hoạch giao dịch chi tiết, nghiên cứu kỹ các trường phái đầu tư, tránh trường hợp "đẽo cày giữa đường" vì "đầu tư cần sự chuyên biệt, khác với đám đông để có thể sinh lời bền vững", ông Tú nhấn mạnh.
Theo báo cáo mới công bố của SSI, thời gian tới VN-Index sẽ hướng đến các vùng mục tiêu tiếp theo lần lượt là 1.450 và 1.480 điểm.
Vì vậy, 6 tháng cuối năm, nhà đầu tư cần có chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ trong giai đoạn này khi thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn như áp lực lạm phát quay lại; triển vọng tăng trưởng lợi nhuận có thể không còn mạnh trong quý 3 và quý 4; chi phí đầu vào tăng làm thu hẹp biên lợi nhuận cũng như hết hiệu ứng so sánh trên nền thấp của cùng kỳ 2020, báo cáo SSI nhận định.
Nhắn gửi tới nhà đầu tư, VNDirect cho biết, giai đoạn dễ dàng đã qua, đã tới lúc nhà đầu tư nên “chọn mặt gửi vàng”. Nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những mã chất lượng với đặc điểm như "tăng trưởng lợi nhuận bền vững và có thể mở rộng kinh doanh; có vị thế tốt để nắm bắt được các cơ hội từ sự phục hồi của tổng cầu thế giới, đòn bẩy tài chính thấp và có khả năng chống chịu tốt với lãi suất".