Thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021: Nhiều rủi ro khó đoán
(DNTO) - Công ty Cổ phần chứng khoán VNDIRECT vừa đưa ra Báo cáo Chiến lược 6 tháng cuối năm 2021, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2021. Theo đó, thị trường được hỗ trợ bởi một số yếu tố tích cực. Tuy nhiên, VNDIRECT cũng cho rằng, thị trường nửa cuối năm 2021 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó đoán.
Các yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm 2021
Theo VNDIRECT, yếu tố đầu tiên hỗ trợ thị trường là hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ) và dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân, giúp duy trì xu thế tăng điểm của thị trường. Tâm lý sợ bỏ lỡ tăng lên khi các chỉ số chứng khoán vượt đỉnh lịch sử và thu hút sự chú ý lớn của nhà đầu tư.
Thứ hai là môi trường lãi suất thấp. Hiện lãi suất bình quân kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng thương mại ở mức 5,7%/năm, thấp hơn mặt bằng lãi suất bình quân kỳ hạn 1 năm giai đoạn 2017-2019 (trước dịch Covid-19) ở mức 7,0%/năm. Việc mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức thấp đã kích thích dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ vào thị trường chứng khoán.
Một yếu tố nữa là định giá được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Dựa trên việc lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng trưởng rất ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021, VNDIRECT nâng dự báo tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 lên mức 30%, từ dự báo trước đó là 23%.
Cùng với đó, hệ thống giao dịch nâng cấp của HoSE đi vào hoạt động từ đầu tháng 7/2021, sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh hiện tại, qua đó tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt, theo VNDIRECT, nút thắt về tình trạng dư nợ cho vay ký quỹ cao sẽ được giải quyết nhờ việc các công ty chứng khoán đang đẩy nhanh quá trình tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng các quy định về cho vay ký quỹ của các cơ quan quản lý.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Dù có nhiều yếu tố tích cực, nhưng VNDIRECT nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2021 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro.
Cụ thể, trên thị trường thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có quan điểm thận trọng hơn trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) hồi trung tuần tháng 6 và bắt đầu chú ý hơn đến những lo ngại về lạm phát tăng cao.
Fed có khả năng tăng 2 lần lãi suất điều hành trong năm 2023. Việc Fed chuẩn bị cho các phương án thắt chặt chính sách tiền tệ làm dấy lên lo ngại về việc dòng vốn đầu tư quốc tế rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
Lãi suất tiền gửi của Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát cao hơn, qua đó giảm bớt sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với kênh tiền gửi tiết kiệm.
Ngoài ra, nguồn cung cổ phiếu tăng lên do doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn. Trong nửa đầu năm 2021, đã có hàng loạt công ty niêm yết lên kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2021. Tổng mệnh giá cổ phiếu đã hoàn thành tăng vốn và đang trong kế hoạch lên tới 25.617 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức thực hiện trong cả năm 2020.
Với mức thanh khoản thị trường bình quân hiện nay vào khoảng 1 tỷ USD/phiên, VNDIRECT cho rằng nguồn cung cổ phiếu này chưa gây sức ép lớn lên thị trường như trong giai đoạn 2014-2019, tuy nhiên, rủi ro này vẫn cần phải được theo dõi sát sao.