Chứng khoán giảm 'sốc', nhà đầu tư bán tháo, mong 'cắt lỗ'
(DNTO) - Chứng khoán đã có một phiên ảm đạm khi giới đầu tư trong nước vội vàng bán tháo mong "cắt lỗ". Chỉ số VN-Index giảm 50,8 điểm, tương ứng -3,7% so với phiên giao dịch cuối tuần trước, dừng ở mốc 1.296 điểm.
Phiên giao dịch hôm nay, 12/7, ghi nhận mức thanh khoản vượt trội là 36.959,25 tỷ đồng, trong đó tính riêng HoSE là 29.048 tỷ đồng. Tuy nhiên, thanh khoản chủ yếu đến từ lệnh bán.
Thị trường ghi nhận lệnh bán ồ ạt đến từ các nhà đầu tư trong nước khiến VN-Index tụt dốc không phanh, chọc thủng mốc 1.300 điểm nhanh chóng. Vn30-Index giảm 51,33 điểm xuống 1.443 điểm (có lúc giảm 83 điểm trong phiên). HNX-Index giảm 13,75 điểm, tương đương 4,48 điểm, xuống 292,98 điểm. Một màu đỏ rực bao phủ thị trường.
Toàn sàn HoSE có 389 mã giảm giá so với 36 mã tăng giá. Chỉ có 4 cổ phiếu hiếm hoi sáng nhất thị trường là MSN, MWG, NVL và VJC.
Trong khi giới đầu tư trong nước vội vàng bán tháo mong "cắt lỗ" thì khối ngoại nhanh chóng "vợt" hàng. Tâm điểm phiên giao dịch là khối ngoại khi họ tiếp tục mua ròng và phiên hôm nay giá trị mua ròng đạt gần 1.400 tỷ đồng, trong đó STB 333 tỷ, SSI 202 tỷ và HPG 179 tỷ, những cổ phiếu được chú ý nhiều nhất.
Thị trường với nhiều diễn biến còn nhiều bất ngờ đang đặt giới đầu tư trước nhiều thách thức mới. Hiện tượng bán tháo trong phiên hôm nay theo nhiều chuyên gia, quả là điều đáng tiếc cho các nhà đầu tư trong nước.
Thị trường chứng khoán phát triển nóng với nhiều kỷ lục liên tiếp được lập đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư tham gia, trong đó, riêng nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) đạt hơn 600 ngàn tài khoản tính trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020.
F0 là những người cần thận trọng hơn bao giờ hết bởi xét về kinh nghiệm hay sự từng trải, các tân binh này cần thêm nhiều thời gian hơn nữa.
Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế cho biết, nguyên nhân chính của việc bán tháo ngày hôm nay là do những nhà đầu tư đã quá vội vàng khi mua cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Theo ông, chứng khoán thời gian qua tăng mạnh do các nhà đầu tư ít quan tâm đến tình hình vĩ mô. Trong bối cảnh các thị trường khác như vàng, ngoại hối... không khả quan nên họ chạy vào thị trường chứng khoán. Có thể một phần do họ vay tiền từ ngân hàng với lãi suất thấp và đầu tư vào chứng khoán. Vụ việc bán tháo ngày hôm nay, theo ông "cũng là một bài học cho tất cả các nhà đầu tư”.
Dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp với số ca không ngừng tăng lên, nhiều địa phương phải tiến hành phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Những rủi ro của dịch bệnh phải chăng đã đến lúc ngấm vào thị trường Covid-19?
Tuy nhiên, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà đầu tư nên nhớ, thị trường có thể lên hay xuống, nhưng quan trọng nhất là những mã cổ phiếu mà bạn đang có thuộc doanh nghiệp nào? Ngành gì? Triển vọng tương lai như thế nào? Đặc biệt hiện nay nó đang được định giá, nhìn nhận ra sao? Sự bình tĩnh, quản trị tốt danh mục, lên kế hoạch phòng ngừa rủi ro cụ thể, đặc biệt không được chạy theo tâm lý đám đông là cách duy nhất để chống chọi với những "cơn bão" hiện nay đến quá nhanh.
"Các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư mới, không nên quá chịu sự tác động của thị trường. Tuy nhiên, về dài hạn, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tươi sáng sẽ có tiềm năng tăng giá. Những cổ phiếu có truyền thống lợi nhuận không cao và đầu tư theo phong trào thì nên cẩn trọng. Nếu nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để chơi chứng khoán thì nên giảm bớt để hạn chế rủi ro", ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô CTCK MBS nhận định.
Và theo một nhà đầu tư: "Nếu muốn biết đầu tư giá trị là gì thì đây là khoảnh khắc để bạn nhớ. Mỗi lần thị trường chứng khoán giảm mạnh thì đó là một cơ hội. Tại sao phải hoảng và lo sợ trong khi nó đang tự trao cho bạn miễn phí mức tăng trưởng tiềm năng".