Giám đốc Passion Investment: Thị trường chứng khoán giảm 13%, cơ bản đã tạo đáy
(DNTO) - Thị trường cuối tháng 7 giảm 13% so với trước đó, xét về cơ bản đã tạo đáy. Do đó, nhà đầu tư cần nhân cơ hội này cơ cấu lại danh mục đầu tư, chờ đón cơ hội trong tương lai.
Thị trường chứng khoán trong nước sau khi trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh, ghi nhận sự sụt giảm nhiều chỉ số. Ghi nhận trong phiên giao dịch hôm nay, 28/7, thanh khoản trên sàn HoSE sụt giảm mạnh khi chốt phiên chỉ còn hơn 13 tỷ đồng, VN-Index đứng ở mốc 1.277 điểm, tăng 0,1% so với hôm qua. Như vậy, sau khi ghi nhận lên đến đỉnh lịch sử với hơn 1.420 điểm, VN-Index liên tục điều chỉnh giảm và trong hai tuần qua, mốc 1.300 điểm trở nên khó khăn với chỉ số này.
Hiện tượng sụt giảm của thị trường trong tháng 7 vừa qua theo các nhà đầu tư là điều hợp lý, thậm chí nhiều người còn cho rằng có lợi cho thị trường vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch VSD trong buổi tọa đàm trực tuyến "Nhận diện thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021", diễn ra vào hôm nay, 28/7, cho biết, thị trường đã có sự tăng trưởng mạnh từ tháng 3 năm ngoái (đáy của chỉ số) lên đến hơn 1.400 điểm (tháng 6 năm nay) nên sự điều chỉnh chắc chắn xảy ra. Bởi theo ông, thị trường không thể đi lên thẳng mãi được, đặc biệt sự điều chỉnh khi dịch bệnh bùng phát nên cuối năm sẽ tốt hơn.
Nhìn nhận lạc quan về thị trường trong thời gian tới, với những lý luận đưa ra, ông Lã Giang Trung - Tổng giám đốc Passion Investment nhận định, cuối năm nay VN-Index có thể đạt 1.600 - 1.700 điểm với điều kiện Covid được khống chế trong tháng 8-9. Việc thị trường cuối tháng 7 giảm 13% so với trước đó, theo ông Trung, xét về cơ bản đã tạo đáy. Do đó, đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục cổ phiếu của mình.
Lý giải về nhận định của mình, ông Trung cho biết, việc đầu tư chứng khoán phải được nhìn nhận ở chu kỳ dài, không nên chỉ trong ngắn hạn.
Hiện nay độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn, khá giống chu kỳ kinh tế thế giới. Lấy ví dụ nước Mỹ, ông Trung dẫn chứng, cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ nhận định suy thoái kinh tế do Covid năm 2020 đã kết thúc tại nước này vào tháng 4 năm ngoái. Mỹ là nền kinh tế đầu tàu trên thế giới bắt đầu hồi phục và thị trường chứng khoán cũng hồi phục theo sau khi tạo đáy vào đầu năm.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều, nền kinh tế cũng đi cùng nền kinh tế thế giới và đáy thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng xuất hiện tương tự vào cuối tháng 3 năm ngoái như nước Mỹ. Nhìn xa hơn, giai đoạn 2009 - 2010, khi kinh tế Mỹ vượt qua suy thoái năm 2009 và tạo đáy, thì Việt Nam cũng xảy ra tương tự như vậy.
Ở mỗi chu kỳ tăng trưởng thì sự điều chỉnh luôn cần thiết. Thống kê cũng cho thấy, nhịp điều chỉnh bình quân Việt Nam trong quá trình đi lên là 17% cho 1 nhịp, thời gian bình quân là 6 tháng. Với nước Mỹ, nhịp điều chỉnh là 14% từ đỉnh. Và cũng theo ông Trung, "sau nhịp điều chỉnh thì thị trường có thể lên 30-40%".
Thị trường trong nước cũng đã có 4 nhịp điều chỉnh từ tháng 3 năm ngoái đến nay, gồm tháng 6 - 7/2020, tháng 1/2021 và tháng 7/2021. Điều này nhìn chung "khá tương đồng với các con số trong quá khứ", ông Trung nhận định.
Từ những luận điểm trên, VN-Index được nhận định sẽ có đột phá trong thời gian tới, thậm chí có thể lên tới 1.700 điểm và trong tháng 7 này khi thị trường giảm 13% thì về cơ bản đã tạo đáy.
Nhìn nhận về sự lạc quan của thị trường trong thời gian tới, ông Lê Quang Minh - Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng cho biết, nền kinh tế nước ta vẫn được thế giới đánh giá cao, đặc biệt là độ mở của nền kinh tế, vì vậy "triển vọng của nền kinh tế rất lớn, giúp Việt Nam duy trì được đà tăng trong dài hạn. Với nhà đầu tư, dài hạn mới là quan trọng và Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực, khi mọi thứ ổn trở lại".
Thị trường sẽ không tránh khỏi nhiều biến động, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội và triển vọng. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn, cẩn trọng với rủi ro để thành công ở kênh đầu tư này.