Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam: Vẫn dè dặt và thận trọng
(DNTO) - Là một mô hình khá mới, khung khổ pháp lý chưa cởi mở nên việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam vẫn còn khá dè dặt, các ngân hàng truyền thống không dám liều mình chơi lớn.
Thách thức còn rất lớn
Là một trong những ngân hàng số thế hệ mới tại Việt Nam, Timo có nhiều thuận lợi khi khai thác cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet, điện thoại thông minh cao, cùng với việc dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tài chính đang rất lớn.
Tuy nhiên, với một mô hình có nhiều sự khác biệt so với các mô hình ngân hàng truyền thống, Timo cũng gặp nhiều thách thức khi phát triển.
Trao đổi trong tọa đàm IDG TekTalk về phát triển ngân hàng số, chiều 3/8, ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Quan hệ đối tác chiến lược, Ngân hàng số Timo cho biết, khó khăn của ngân hàng số tại Việt Nam là chờ đợi việc chuyển đổi tư duy, thói quen cho khách hàng từ việc sử dụng dịch vụ truyền thống sang mô hình ngân hàng số. Điều này cần có thời gian và cần nỗ lực của các đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều thông tư, nghị định tạo cơ chế thúc đẩy phát triển ngân hàng số, thanh toán phi tiền mặt nhưng theo ông Minh, vẫn còn nhiều quy định cần phải thay đổi.
Gần đây nhất là Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ ban hành, quy định số lượng điểm giao dịch ngân hàng số phải tương đương các điểm giao dịch của ngân hàng đang có; hay 80% các đại lý ngân hàng phải hoạt động tại các điểm đông dân cư, như tuyến huyện trở lên.
Tuy nhiên theo ông Minh, sự phát triển của ngân hàng số là để vươn tới khu vực xa xôi – nơi mà dịch vụ ngân hàng chưa phát triển, do vậy, nếu khống chế số lượng điểm giao dịch thì chưa thể thúc đẩy ngân hàng số mở rộng.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định giá trị giao dịch trên ngân hàng số không quá 200 triệu đồng/ngày, phí dịch vụ trên ngân hàng số không cao hơn ngân hàng truyền thống… những quy định này không tạo ra động lực cho ngân hàng số hay thanh toán phi tiền mặt phát triển.
Còn theo ông Phan Việt Hải, Giám đốc Công nghệ, Ngân hàng TMCP Bản Việt, hiện nay có rất nhiều cách triển khai ngân hàng số. Có những ngân hàng đi từ trong ra ngoài, tức số hóa việc vận hành, sau đó đến các kênh và hoạt động bán hàng hoặc ngược lại. Có ngân hàng số đi theo mô hình ngân hàng bán lẻ, hoặc cung cấp nền tảng cho đơn vị khác để thực hiện dịch vụ ngân hàng hay cho những đơn vị khác sử dụng hạ tầng để làm dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, do ngân hàng số là mô hình vẫn khá mới ở Việt Nam nên Ngân hàng Bản Việt cũng đang thử nghiệm vài mô hình khác nhau chứ không dồn hết nguồn lực vào một mô hình nào đó.
Khó khăn không chỉ là tài chính, công nghệ
Hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đang bắt đầu triển khai ngân hàng số, nhưng mới chỉ dừng lại ở cấp độ quy trình và kênh giao tiếp, chỉ một số ít ngân hàng chuyển đổi số hóa ở nền tảng dữ liệu như BIDV, Vietcombank, Techcombank, TPBank… Ngoài ra, một số ngân hàng đang hợp tác với doanh nghiệp công nghệ để phát triển công nghệ tài chính.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp, chuyên gia công nghệ cho biết, khó khăn khi phát triển các ngân hàng số không chỉ là tài chính, vì nếu là tài chính thì rất dễ, chỉ việc chi tiền là xong. Còn công nghệ chỉ chiếm 30% thành công của chuyển đổi số.
Điều quan trọng nhất của việc xây dựng ngân hàng số phải được hiểu là xây dựng mô hình kinh doanh hoàn toàn mới chứ không phải áp dụng công nghệ trên một mô hình cũ.
“Trước đây, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình rất tốt, chuẩn ISO, đã vận hành hàng chục năm. Tuy nhiên, các quy trình chủ yếu xây dựng cho con người vận hành, nhưng hiện quy trình phải được xây dựng cho cả con người và máy móc”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, các ngân hàng nên gạt bỏ nỗi sợ về các cuộc tấn công trên môi trường số mà phải học cách đối mặt với rủi ro và chủ động về nguồn lực, nền tảng bảo mật.
Chia sẻ về kinh nghiệm khi hỗ trợ triển khai ngân hàng số tại Singapore, ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam cho hay, các ngân hàng Singapore xây dựng chiến lược chuyển đổi số rất rõ ràng.
Cụ thể, họ tập trung vào việc xây dựng lãnh đạo số và văn hóa số, truyền đạt đến từng cấp nhân viên để tạo ra cuộc cách mạng về việc thay đổi hành vi, tư duy của những người làm dịch vụ, từ đó giúp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn.
“Họ sẽ chạy song song 2 mô hình ngân hàng số, một là ngân hàng số đa kênh để phục vụ đối tượng khách hàng truyền thống, hai là ngân hàng số phục vụ đối tượng khách hàng trẻ, thế hệ Z - những người yêu thích trải nghiệm công nghệ”, ông Minh cho hay.
Ngoài ra theo ông Minh, xu hướng đang được diễn ra là mang công nghệ ngân hàng số sang ngân hàng truyền thống. Nhiều ngân hàng đang triển khai tài chính mở, tài chính nhúng, đó là các dịch vụ ngân hàng không chỉ chạy đơn thuần trên nền tảng của mình mà nhúng vào nền tảng số, từ đó trợ giúp cho các nền tảng số có thể sử dụng dịch vụ tài chính số.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 95 tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. 39% tổ chức tín dụng phê duyệt chiến lược chuyển đổi số riêng biệt hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin. 42% tổ chức tín dụng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số.
Trong Chiến lược Chuyển đổi số ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước mới ban hành, mục tiêu đến năm 2025 có 80% tổ chức tín dụng thực hiện chuyển đổi số, và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ là 90%.
Cùng với đó, 70% tổ chức tín dụng có tỷ lệ khách hàng sử dụng kênh kỹ thuật số là 70% (năm 2025) và 91% tổ chức tín dụng có tỷ lệ khách hàng sử dụng kênh kỹ thuật số là 70% (năm 2030). Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng trực tuyến đạt trên 50% vào năm 2025 và trên 80% vào năm 2030.