‘Tiêu dùng cảm xúc’ đang là xu hướng

(DNTO) - Vài năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng trong giới đã có sự thay đổi lớn. Đó là tiêu dùng dựa trên cảm xúc. Họ không chỉ quan tâm đến chức năng hay giá cả của sản phẩm như trước đây. Họ chọn mua những sản phẩm mang lại cho họ nhiều cảm xúc: Gọi là xu hướng “tiêu dùng cảm xúc”. Liệu đây có phải là thị trường tiềm năng nhắm tới của các doanh nghiệp?
Tiêu dùng cảm xúc là gì?
Đứt gãy kết nối giữa con người với nhau bởi sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, áp lực công việc, môi trường gia đình, khả năng giao tiếp… ngày càng đẩy con người vào trạng thái cô đơn; Quanh năm phải đối mặt với công việc đầy áp lực và căng thẳng; Hoặc đang trải qua mất mát hay đau buồn, lo lắng, chán nản, cảm thấy không hài lòng về bản thân, bạn sử dụng việc mua sắm như một phương tiện an ủi. Đồng thời hướng đến việc tận hưởng cuộc sống tinh thần, trải nghiệm văn hóa, chăm sóc bản thân về mặt cảm xúc, tập trung vào việc chữa lành và nuông chiều bản thân ở mức cao hơn khi các nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng...

Sử dụng việc mua sắm như một phương tiện an ủi. Ảnh: Internet
Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua những món đồ chơi, đồ lưu niệm, giải trí, ốp lưng điện thoại, áo thun đồng phục, sản phẩm mô phỏng theo các nhân vật trong phim hoạt hình hay truyện tranh… Gần đây là sự thịnh hành của Labubu Baby Three và mô hình hộp mù trong các lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm, đồ chơi mini, sản phẩm siêu nhỏ dùng để ngắm, các món đồ trang trí đính lên túi xách hoặc quần áo, thú nhồi bông…
Thế là khái niệm “Tiêu dùng cảm xúc” ra đời. Nói tóm lại, “tiêu dùng cảm xúc" là khi việc mua sắm diễn ra dựa trên cảm xúc cá nhân, chứ không đơn thuần tập trung vào giá trị vật chất hay chức năng của sản phẩm.
Đối tượng của tiêu dùng cảm xúc được các chuyên gia nhận định là đang rơi vào Gen Z (thế hệ được sinh ra từ năm 1997 – 2012), chiếm khoảng 32% dân số toàn cầu. Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, YouTube.
“Tiêu dùng cảm xúc”, cơ hội cho các thương hiệu
Theo chuyên gia Zhang Yi, CEO của Viện Nghiên cứu iiMedia, xu hướng tiêu dùng cảm xúc hiện đang bùng nổ ở châu Á, nhiều khả năng sẽ lan rộng toàn cầu và là một hướng đi quan trọng của thị trường hàng hóa trong thời gian tới. Đây là cơ hội để các thương hiệu nhanh chóng bắt kịp xu thế nhằm thúc đẩy doanh số. Nhất là trong giai đoạn Gen Z - hiện là thành phần lao động có thu nhập cao - dần trở thành nhóm tiêu dùng chính.
Đặc biệt, tính tiện lợi và khả năng mua sắm tùy hứng cao của hình thức mua sắm trực tuyến rất dễ dàng làm tăng xu hướng “tiêu dùng cảm xúc”. Nếu các thương hiệu khéo léo tiếp thị, khơi gợi được nhu cầu cảm xúc của người tiêu dùng, cảm xúc của khách hàng, họ có thể thu hút sự chú ý, thúc đẩy hành vi mua hàng, xây dựng lòng trung thành và khiến khách hàng sẵn sàng ủng hộ, quảng bá cho thương hiệu.
Trong một thị trường đông đúc, việc chạm đến cảm xúc của khách hàng giúp doanh nghiệp tạo dấu ấn riêng và nổi bật hơn.
Mặt trái của “tiêu dùng cảm xúc”

‘Tiêu dùng cảm xúc’ đang là xu hướng Ảnh: Internet
Cân bằng cảm xúc thông qua chi tiêu là một giải pháp thậm chí là một xu hướng. Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó. Khi mua sắm theo kiểu tiêu dùng cảm xúc, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng và chừng mực để không dẫn đến nhiều bất lợi, bao gồm chi tiêu không kiểm soát, mua sắm những món đồ không cần thiết hoặc không có giá trị lâu dài và có thể gây ra căng thẳng tài chính. Đồng thời gia tăng số lượng đồ đạc không cần thiết trong nhà, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống tối giản.
Mặt khác nếu trong nhà có nhiều thế hệ cũng cần lưu ý đến sự khác biệt giữa các thế hệ về quan điểm chi tiêu. Ví dụ, thế hệ lớn tuổi coi trọng việc tích cốc phòng cơ và sinh lời, trong khi thế hệ trẻ thoải mái hơn trong việc chi tiêu theo cảm xúc hoặc xu hướng.