Cần ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp
(DNTO) - "Các địa phương cần phải ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động sản xuất trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp, bởi nếu những cơ sở này phải đóng cửa sẽ khiến đứt gãy chu kỳ sản xuất, làm lung lay vai trò "trụ đỡ" nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay.
Chủ động sản xuất, đảm bảo xuất khẩu sau giãn cách
Có thể nói, trong mọi kịch bản diễn biến dịch bệnh hiện nay, yêu cầu phải giữ vững mặt trận sản xuất, khơi thông luồng vận chuyển, tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu là vô cùng cần thiết.
Tại cuộc họp "Kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản" ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhận định, do nhu cầu tiêu thụ nông sản xuất khẩu của các nước có xu hướng tăng, đề nghị các địa phương chủ động sản xuất, đảm bảo việc lưu trữ và bảo quản hàng hóa để xuất khẩu ngay khi hết giãn cách xã hội.
"Các địa phương và doanh nghiệp cần linh hoạt chủ động nguồn nhân lực để đảm bảo việc thu hái, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ hiệu quả nhất. Ngành nông nghiệp từng tỉnh, thành phố cũng phải lên được danh sách đầu mối, sản lượng và thời gian cung ứng các loại trái cây để xây dựng phương án điều tiết tiêu thụ, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Để đảm bảo tiến độ sản xuất cho vụ kế tiếp, Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT đề nghị chính quyền địa phương giao quyền chủ động cho các sở NN&PTNT. Trên cơ sở phân loại, hướng dẫn danh mục các vật tư nông nghiệp được lưu thông, sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố.
Đồng thời, cần chủ động lập đường dây nóng, đây là giải pháp cần thiết để Tổ công tác 970 liên hệ tháo gỡ những vấn đề chung.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, hiện nguồn lao động tại đồng ruộng và ao tôm thiếu. Thương lái cũng khó tiếp cận địa bàn, trong khi các sản phẩm đều đã đến thời điểm thu hoạch.
Do đó, để kịp tiến độ sản xuất, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố gấp rút thực hiện một số giải pháp. Một là, đảm bảo nguồn giống cây trồng vật nuôi, vốn đang bị ách tắc nguồn giống.
"Sau dịch dễ xảy ra thiếu giống, giá giống tăng cao, ảnh hưởng đến người nông dân. Chúng ta cần gấp rút có một chương trình giống sát với thực tế" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Thứ trưởng yêu cầu các Cục trong Bộ NN&PTNT liên hệ chặt với những nơi cung cấp giống. Lưu ý, khi nhu cầu tăng đột biến, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể rơi vào tình trạng bị động vì không dự trù được.
Do đó, Tổ trưởng Tổ công tác 970 đề nghị soạn thảo chương trình đón đầu, nhằm tránh hiện tượng lợi ích nhóm và đảm bảo bình ổn giá cho nhu cầu sản xuất.
"Chỉ một tháng nữa, khi hết giãn cách, nhu cầu tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng lên. Chúng ta không thể chạy theo mà cần chủ động ứng phó trước", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hai là, ổn định tâm lý cho bà con nông dân. Qua khảo sát thực tế, nhiều người dân đang lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh, khiến hàng hóa khó tiêu thụ. Một số nơi còn băn khoăn về thời điểm sản xuất vụ tới, thậm chí lo ngại về biểu hiện đầu cơ trục lợi trong tình hình dịch bệnh.
Ba, với riêng TP.HCM, sau khi 3 chợ đầu mối ngừng hoạt động, Tổ công tác của Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đề xuất thành lập các điểm tập kết hàng và khớp nối thời điểm vận chuyển nông sản, bởi rau củ quả khó để lâu ngoài trời.
"Khu vực nào, doanh nghiêp nào than khó, chúng ta cần chỉ đạo giải quyết luôn. Không thể nói chung chung được" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.
Ưu tiên tiêm vaccine cho ngành hàng nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời điểm hiện nay, do diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch Covid-19, các địa phương đã bắt đầu chấp nhận hy sinh phát triển kinh tế trong ngắn hạn để có thể kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng phải nhìn nhận lại những cơ sở chế biến trong ngành nông nghiệp không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn là nguồn cung cấp nguyên liệu, qua đó tác động đến đời sống của hàng triệu người nông dân.
Không những thế, đứt gãy chuỗi sản xuất cũng dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng hơn 11,3 triệu lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như hàng chục triệu lao động trong các ngành, nghề liên quan.
Bộ trưởng Hoan cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong thời gian qua chủ yếu do nhiều cấp chính quyền còn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lực lượng lao động trong các ngành hàng nông nghiệp, phục vụ lưu thông hàng hóa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh.
"Nếu những cơ sở này phải đóng cửa sẽ làm ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân, thậm chí sẽ làm đứt gãy chu kỳ sản xuất. Chính vì thế, các địa phương cần phải ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động sản xuất trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp để phát huy vai trò bệ đỡ nền kinh tế" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Bộ trưởng phân tích: Chúng ta đang ở trong nền kinh tế thị trường, hệ thống lưu thông sẽ do thị trường điều chỉnh. Nếu chúng ta bắt chỗ này sản xuất để cung ứng cho chỗ kia là phi thị trường. Chúng ta chỉ có thể làm nhiệm vụ kết nối, thông suốt.
"Cũng như vật tư nông nghiệp, giá cả là vấn đề của thị trường và chúng ta không thể can thiệp. Nhưng nếu có thể tạo sự thông thoáng, không để khan hiếm thì sẽ không bị đội giá lên cao. Trách nhiệm của chúng ta là phải tạo sự thông suốt thị trường đầu vào từ Bắc chí Nam" - bộ trưởng nói.
Cũng theo bộ trưởng, nếu không có hệ thống những hiệp hội ngành hàng thì ngành nông nghiệp sẽ không có chỗ dựa những lúc khó khăn như hiện nay. Qua đó, bộ trưởng đề xuất việc thành lập Hiệp hội Lúa gạo và Hiệp hội Cây ăn quả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thành chuỗi hệ thống thông tin để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho người nông dân.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ có văn bản đề xuất Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ điều kiện về kho bãi, có đủ tiềm lực trên thị trường để vào cuộc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Mặt khác, tập hợp các đầu mối cung ứng, tiêu thụ cũng như tổ chức các diễn đàn kết nối cung cầu không chỉ trong phạm vi các tỉnh phía Nam mà trên toàn quốc, nhằm thúc đẩy luồng lưu thông hàng hóa, nông sản.
Song song đó, ngành nông nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ có những chính sách kịp thời kích cầu sản xuất nông nghiệp như thu mua tạm trữ một số mặt hàng nông sản thiết yếu phục vụ hỗ trợ đối tượng yếu thế trong các khu vực giãn cách xã hội, công nhân lao động các khu công nghiệp đang ở nhà trọ trong các thành phố lớn cần lương thực, thực phẩm.
Đồng thời, sớm có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, cắt giảm các loại chi phí, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng thu mua, chế biến và bảo quản các loại nông sản.