Khơi thông chuỗi cung ứng nông sản nhờ loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn
(DNTO) - "Hiện các địa phương phía Nam đã cơ bản khơi thông chuỗi cung ứng nông sản, từ thu hoạch, sơ chế, chế biến đến phân phối. Nguồn lương thực, thực phẩm cơ bản đã được đảm bảo tới tất cả các nơi, kể cả khu cách ly" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, với sự nỗ lực vào cuộc của Tổ công tác Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành trong những ngày qua, hiện các địa phương phía Nam đã cơ bản khơi thông chuỗi cung ứng nông sản.
Đồng thời, toàn bộ vật tư nông nghiệp cho chu kỳ sản xuất cũng cần được đảm bảo lưu thông thường xuyên. Bộ đã có chỉ đạo các tỉnh, thành phải cập nhật danh mục, để khi lưu thông qua các chốt, trạm kiểm tra, những vật tư này sẽ được lưu thông thông suốt. Việc lưu thông tốt vật tư cho sản xuất cũng chính là tiền đề để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
Về việc đảm bảo an toàn trong các cơ sở chế biến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, từ rất sớm bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp kiểm soát chặt người lao động.
"Bài học kinh nghiệm từ phòng, chống dịch bệnh trên động vật với việc áp dụng cách ly, đảm bảo an toàn với người rất quan trọng. Những cơ sở chế biến phải quản lý chặt người lao động. Bộ đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn những cơ sở khi có ca F0 trong tổ chức vệ sinh, tiêu độc sát trùng và kiểm soát người vào để sớm tổ chức chế biến lại" - thứ trưởng chỉ rõ.
Về vận chuyển, theo báo cáo của một số địa phương, một số chốt, trạm vẫn có những quy định khác nhau nên đã gây ảnh hưởng đến "luồng xanh" phân phối sản phẩm từ các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tổ công tác đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế thống nhất giữa các địa phương, để "luồng xanh" phát huy tác dụng và không cản trở khi lưu thông nông sản.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sản xuất nông nghiệp có mùa vụ nên tất cả kế hoạch sản xuất đều được lãnh đạo các lĩnh vực triển khai bình thường. Những khó khăn trong lưu thông phân phối vật tư sản xuất phải được giải quyết thông suốt. Việc tiêu thụ, sơ chế, chế biến cũng phải được tháo gỡ khó khăn nhanh chóng để tổ chức sản xuất bình thường thì ngành mới đảm bảo mục tiêu kép.
Với kinh nghiệm từ bài học tiêu thụ nông sản ở Bắc Giang, Hải Dương, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh các hình thức tiêu thụ nông sản như: online, sàn thương mại điện tử..., từ đó có thể tiêu thụ kịp thời nông sản theo đúng mùa vụ cũng như đảm bảo chất lượng, giá cả cho nông dân.
“Các hình thức tiêu thụ nông sản là điện tử, livestream, nhiều hình thức khác nhau nên nông sản đã được chuyển đi rất nhiều vùng miền với thời gian không dài và giá cả hợp lý. Do vậy, các hình thức thương mại điện tử cũng nên vận dụng một cách tối đa ở TP.HCM cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để chúng ta có thể xử lý kịp thời về mùa vụ nông sản cũng như đảm bảo chất lượng, giá cả cho bà con nông dân” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các địa phương phía Nam cần chủ động kết nối giữa sản xuất với lưu thông trong xử lý vấn đề nông sản, vì không có văn bản nào của Chính phủ có thể "bao trùm" được hết, do đó, khi có các tình huống phát sinh thì địa phương phải chủ động.
"Ví dụ như chuyện nông dân phải đổ sữa đi là do không được liệt vào danh sách mặt hàng thiết yếu, để không còn tái diễn tình trạng này, cần có sự linh hoạt của các địa phương, mình phải là người tự "cứu" mình trước" - bộ trưởng nhấn mạnh.
Thêm một vấn đề nữa là nông sản trên đồng ruộng vẫn ổn nhưng sản phẩm chế biến từ các nhà máy, cơ sở sản xuất đang gặp khó, do có nhiều nơi phải đóng cửa vì có công nhân mắc Covid-19.
Vấn đề này không chỉ liên quan đến TP.HCM mà còn liên quan đến thị trường xuất khẩu.
“Nếu chúng ta không có giải pháp dài hơi thì các nhà máy chế biến không thực hiện được 3 tại chỗ sẽ khó khăn trong sản xuất. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Công thương, đặc biệt là các đơn vị ở địa phương nghiên cứu đưa ra phương án cụ thể giải quyết vấn đề này” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Theo đó, Bộ trưởng Hoan đề nghị các địa phương phải thành lập những tổ công tác, thường xuyên theo dõi, đánh giá, thu thập thông tin qua hệ thống đường dây nóng để cung cấp cho doanh nghiệp, nông dân, hiệp hội ngành hàng cách giải quyết các vấn đề gặp phải khi tổ chức thu hoạch, lưu thông nông sản.
Ngoài ra, kiến nghị ngành y tế ưu tiên tiêm vaccine cho những người đảm nhận nhiệm vụ trong chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản để tránh ảnh hưởng đến hệ thống.
“Bộ NN&PTNT có chủ trương thực hiện công tác kiểm định trực tuyến thay vì trực tiếp cho các nhà máy để hạn chế việc đi lại, giảm khả năng lây nhiễm Covid-19. Ngoài ra, bộ cũng có giải pháp gia hạn giấy phép cho những cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cho đời sống, sản xuất nông nghiệp” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.