Những giám đốc 'xắn tay áo' hỗ trợ nông sản cho vùng phong toả tại TP.HCM
(DNTO) - "Giữa lúc dịch bệnh khó khăn thế này, thấy người dân các tỉnh từ miền Bắc, miền Trung gói ghém gửi từng bó rau, con cá cho người dân miền Nam, bản thân mình là người Sài Gòn, sao ngồi im được" - anh Ngọc Anh mở đầu cuộc trò chuyện vội vã cùng chúng tôi như thế.
Phải đến cuộc gọi thứ 3, Doanh Nhân Trẻ mới được trò chuyện với anh Ngọc Anh, sau khi anh và ê kíp của mình vừa hoàn thành xong chuyến hàng ủng hộ thứ 12.
Anh Lê Ngọc Anh là Giám đốc của Việt Pearl, một doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM. Ngay khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4, anh đã kết nối cùng nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cùng chung tay, ủng hộ hàng tấn nông sản cho các khu vực bị cách ly, phong toả trên địa bàn thành phố.
Điều đặc biệt là gần như toàn bộ thành viên tham gia đều là lãnh đạo của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như du lịch, bất động sản, cơ khí, tài chính.
"Tôi có một người bạn là Khánh Linh, chủ của Homestay An Mộc Gia Trang ở Đà Lạt. Bạn Linh là người vận động các nguồn hàng, thậm chí bỏ cả tiền túi để đi mua các loại rau củ từ khắp nơi như Đắk Lắk, Đắk Nông,... sau đó chuyển về TP.HCM. Chúng tôi sẽ tiếp nhận và lên kế hoạch phân phối cho các khu vực bị cách ly, phong toả hay các mái ấm, trại trẻ mồ côi.
Bắt đầu từ chuyến hàng đầu tiên vào giữa tháng 5, đến nay chúng tôi đã thực hiện được 12 chuyến hàng, mang quà đến khắp 23 quận, huyện trên địa bàn thành phố với tổng cộng 142 tấn rau củ được trao tận tay bà con khó khăn" - anh Ngọc Anh chia sẻ.
Anh Ngọc Anh cho biết, nhóm hỗ trợ chia thành 2 đội thường trực tại Đà Lạt và TP.HCM. Đội Đà Lạt đều là các tình nguyện viên địa phương, chịu trách nhiệm tìm nguồn cung hàng hoá rau củ quả.
"Điều đáng quý là các bạn hiện đang làm nhiều công việc khác nhau như chủ doanh nghiệp lưu trú, du lịch, tiếp viên hàng không hay dịch vụ, và không ai có kinh nghiệm thu mua nông sản với số lượng lớn như thế. Nhưng đổi lại, các bạn là người Đà Lạt, lớn lên với rau củ quả nên được sự hỗ trợ rất lớn từ bà con địa phương.
Về nguồn cung nông sản, các bạn đã nỗ lực tìm kiếm từ rất nhiều nơi. Đầu tiên là vận động các nhà vườn để tìm kiếm sự hỗ trợ cho TP.HCM và nhiều nông trại đã sẵn sàng cho luôn cả một vườn rau như tần ô, ớt chuông,... Chúng tôi rất cảm kích nghĩa tình này của người dân Đà Lạt".
Theo anh Ngọc Anh, ngoài 10% số nông sản được cho tặng, số còn lại nhóm sẽ tự mua từ các chợ đầu mối hay vựa nông sản lớn. Nhiều khi họ đang khuân hàng thì có những người dân địa phương nhìn thấy và tình nguyện chở vài trăm ký rau đến nhờ nhóm bạn gửi vào TP.HCM.
Là một đoàn thiện nguyện "nghiệp dư", tất nhiên sẽ gặp phải không ít khó khăn. Anh Ngọc Anh cho biết, đội thường trực ở TP.HCM có khoảng 40 người, đa phần là lãnh đạo, giám đốc nên đôi khi đối mặt với hàng tấn hàng hoá, ai cũng kiệt sức.
"May mắn là chúng tôi nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương, các anh em dân quân, công an khi thấy đoàn đến đều xắn tay áo phụ giúp khuân hàng. Sự hỗ trợ nhiệt tình ấy khiến chúng tôi cảm thấy đôi vai mình nhẹ hơn nhiều", anh Ngọc Anh vui vẻ kể.
Anh cũng thừa nhận việc giãn cách lan rộng khiến công tác hỗ trợ gặp không ít khó khăn: "Ngày 9/7 là TP.HCM bắt đầu giãn cách, trước đó, chúng tôi thu mua rau từ các nguồn đã giải quyết được 2 vấn đề: Tiêu thụ rau giúp bà con các tỉnh khi việc bán ra hạn chế, đồng thời ủng hộ người dân TP.HCM. Nhưng điều không lường trước được là sau ngày giãn cách, giá rau củ tại các nguồn đã tăng mạnh gấp nhiều lần.
Trong khi đó, để đảm bảo lượng hàng phong phú, chúng tôi chỉ có thể mua mỗi loại nông sản một vài tấn, nhưng các thương lái chỉ đồng ý bán ra hàng chục tấn mỗi loại. Đây cũng là một trở ngại mà chúng tôi phải cân đo đong đếm rất nhiều để đảm bảo nguồn hàng hỗ trợ cho bà con".
Một khó khăn khác cũng nằm ngoài dự tính của nhóm đó là khâu vận chuyển. Sau ngày TP.HCM giãn cách, quá trình vận chuyển phát sinh thêm các nhu cầu như giấy xét nghiệm, giá thuê xe tăng cao. Đồng thời, việc thuê xe lớn để chuyên chở hàng hỗ trợ về thành phố cũng rất khó.
"Có những tài xế phải chạy liên tục nhiều giờ, điều này khiến chúng tôi lo lắng về an toàn cho các anh, vì vậy, đôi khi không đảm bảo được thời gian vận chuyển kịp thời. Với sự quyết tâm cao nhất, chúng tôi vẫn kiên trì tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo các chuyến hỗ trợ không bị đứt gãy" - anh tâm sự.
Anh Ngọc Anh cũng kể cho chúng tôi một câu chuyện về đội tình nguyện viên ở Đà Lạt: "Hôm ấy các bạn tình nguyện viên đến một nông trại để tự tay thu hoạch rau sớm chuyển đến TP.HCM, khi đang cắt rau thì bất ngờ đổ mưa to và lũ tràn về. Lũ miền cao thì rất mạnh và xiết, dù vậy, các bạn vẫn quyết tâm nán lại đợi ngớt mưa, lũ rút sẽ tiếp tục hoàn thành công việc và đến 23g mới xong để gửi về TP.HCM ngay trong đêm đó. Đọc những dòng tin nhắn của các bạn gửi về lúc đó, tay tôi run lên và ứa nước mắt vì thương các bạn".
Trả lời thắc mắc của Doanh Nhân Trẻ về việc, tại sao đang giữa lúc khó khăn, là lãnh đạo của một công ty du lịch - ngành chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh - anh Ngọc Anh lại dốc sức vì bà con như thế, anh nói: "Tôi đã làm trong ngành du lịch 24 năm, cũng là chừng ấy năm sống tại TP.HCM, tuy không phải nơi tôi sinh ra nhưng là nơi dung dưỡng tôi và cả những người anh em, bạn bè. Nên mặc dù doanh nghiệp của tôi suốt 2 năm qua chỉ có chi chứ không có thu, nhưng biết sao được khi Sài Gòn đã cho mình quá nhiều, nay thành phố "bệnh" như thế, chúng tôi quyết tâm có bao nhiêu làm bấy nhiêu".
Khi được hỏi anh có tiếp tục đồng hành cùng người dân yếu thế TP.HCM đến khi đại dịch qua đi, anh cười xoà: "Tiếp chứ, chúng tôi vẫn còn sức, các mạnh thường quân vẫn ủng hộ thì sao ngừng được. Kế hoạch ban đầu của chúng tôi là ủng hộ 300 tấn nông sản, đến nay mới được một nửa thôi. Chúng tôi bảo nhau sẽ cố đến khi không cố được nữa".
Ngay khi bài viết này đến với độc giả, anh Ngọc Anh và những người bạn của mình đang tiếp tục với chuyến hàng khác đến TP.HCM.
Chúng tôi tin chắc rằng, không chỉ những chủ doanh nghiệp, lãnh đạo công ty như anh Ngọc Anh và các bạn mình, đâu đó khắp TP.HCM này đang tràn ngập nghĩa tình từ những món quà, từng bó rau, con cá từ khắp nơi gửi về, kèm với đó là sự động viên, chia sẻ của đồng bào, nhân dân cả nước chỉ với một mong ước lớn lao lúc này: Việt Nam sớm thắng đại dịch.