‘Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…’
(DNTO) - Tháng ba, trong suy nghĩ của nhiều người đó là tháng dành cho các chị em bởi vì có ngày 8/3 - Ngày Quốc tế phụ nữ. Năm nay, trong rất nhiều hoạt động dành riêng cho nữ giới, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn phát động Tuần lễ áo dài Việt Nam từ ngày 1- 8/3 trên toàn quốc.
Ghi chép về chiếc áo dài Việt Nam, đã có rất nhiều nguồn sử liệu, nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ. Tất cả đều cho thấy chiếc áo dài xuất hiện từ rất lâu đời và có một cuộc sống thăng trầm rất đặc biệt nhưng vẫn tồn tại và phát triển với một sức sống mãnh liệt.
Đã có một giai đoạn, trong bối cảnh miền Bắc mới tuyên bố độc lập, đời sống khó khăn, chính phủ vận động người dân bỏ thói quen mặc áo dài để tiết kiệm vải và cũng để phù hợp với tác phong lao động khẩn trương trong thời kỳ xây dựng mới. Cuộc vận động này được người dân ủng hộ và áo dài không còn là trang phục thông dụng của phụ nữ thời đó trong một thời gian dài.
Tương tự như thế, ở miền Nam thời bao cấp, giai đoạn 1975 - 1979, cũng do tình hình kinh tế đất nước trong những ngày đầu xây dựng sau chiến tranh rất khó khăn, vải vóc được phân phối hoặc mua theo tiêu chuẩn ở các cửa hàng thương nghiệp với số lượng rất hạn chế, số phận áo dài cũng lao đao theo. Tà áo dài không còn phổ biến trong đời sống người dân như trước đó. Sự vắng mặt của nó được nhận thấy rõ rệt nhất qua việc không còn được sử dụng làm đồng phục nữ sinh như trước.
Tuy nhiên, khoảng thập niên 80, tình hình kinh tế có phần ổn định, cuộc sống người dân bớt khó khăn, bắt đầu từ tỉnh Cà Mau, áo dài trắng được vận động khôi phục trở lại trong nhà trường làm đồng phục cho nữ sinh. Quyết định này đã gây nhiều tranh cãi xôn xao trong dư luận lúc bấy giờ. Cho mãi đến thập niên 90, chiếc áo dài đồng phục nữ sinh mới chính thức trở lại. Nó kéo theo sự hồi sinh ngoạn mục của chiếc áo dài trong đời sống sinh hoạt của nữ giới khắp cả nước.
Để chiếc áo dài có diện mạo như ngày hôm nay, nhiều cuộc cách tân, nhiều ý tưởng sáng tạo cả nhiều cuộc tranh cãi đã diễn ra nhất là trong vòng một thế kỷ qua. Nhưng cho dù là tà ngắn đến gối hay dài chấm gót chân, dù tay ráp hay tay raglan, thân chít eo hay thân suông, cổ đứng hay cổ hở, cài nút hay gắn phéc-mơ-tuya… thì áo dài vẫn là một loại trang phục đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam được ưa chuộng bởi sự kín đáo nhưng vẫn đầy gợi cảm, sang trọng, thanh lịch nhưng lại dung dị nền nã…
Thế hệ tôi, ở Sài Gòn, lên đệ thất (lớp 6) là nữ sinh đã được mặc áo dài đi học hằng ngày cho đến hết đệ nhất (lớp 12). Còn với người lớn thì áo dài được xem như một loại trang phục thông dụng mặc khi đi làm ở công sở, đi tiệc tùng, lễ hội, đến những nơi sang trọng hoặc hẹn hò, bách phố… thậm chí đi chợ.
Với người Việt Nam, chiếc áo dài không chỉ là một chiếc áo mà nó chứa đựng cả tình yêu quê hương Tổ quốc, là niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, từ lâu đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, là sản phẩm văn hoá, vật thể truyền thống của dân tộc.
Hình ảnh chiếc áo dài thường được ca ngợi đi chung với hình ảnh các mẹ, các chị. Mẹ tôi vốn là một cô giáo, tủ áo dài của bà có đến hàng trăm chiếc. Hình ảnh mẹ tôi mặc áo dài quen thuộc đến nỗi tôi không để ý xem đẹp xấu thế nào. Nhưng những chiếc áo ấy đã giúp hai chị em tôi luôn được mặc đẹp và tươm tất hơn so với chúng bạn trong một thời gian dài khó khăn. Những bộ đồ được mẹ may bằng vải cắt ra từ vạt áo dài, hoặc các ống quần lụa trắng “lộn bề” (lộn bên trong ra bên ngoài) của mẹ khiến hai chị em tôi rất tự hào với bạn bè. Nhưng nỗi đau của mẹ phải đến khi lớn lên chúng tôi mới thấu hiểu.
Không chỉ trong cuộc sống đời thường, hình ảnh phụ nữ Việt Nam với chiếc áo dài xuất hiện trong thơ ca nhạc họa cũng dễ dàng mang cảm xúc đến cho khán giả. Có thể không biết nhiều nhưng chắc chắn không ai không thuộc “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông..” (thơ Nguyên Sa). Hoặc: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... em ơi...” (Bài hát Một thoáng quê hương của Từ Huy).
Sự lên ngôi của áo dài Việt thời gian gần đây kéo theo rất nhiều các hoạt động, kinh doanh, dịch vụ quanh nó trên đà khởi khắc rầm rộ. Các nhà thiết kế với nhiều bộ sưu tập giá trị lấy ý tưởng từ chiếc áo dàì; Công nghệ thời trang cho ra đời áo dài may sẵn mà vẫn được thị trường chấp nhận vì sự phong phú, tiện lợi, nhanh chóng, mua liền mặc ngay, xóa bỏ được quan niệm áo dài phải đo may riêng cho từng người mới đẹp; Các nhà may chuyên áo dài, các cửa hàng kinh doanh vải may áo dài, dịch vụ cho thuê áo dài… mọc lên như nấm mà vẫn đắt khách. Không kể một lượng lớn các nhà phân phối kinh doanh qua thương mại điện tử. Thậm chí ngành kinh doanh các phụ liệu đi kèm với áo dài cũng nhờ đó mà “phất” lên.
Niềm kiêu hãnh của áo dài còn nằm ở chỗ cùng với Phở và Bánh mì, tính đến thời điểm hiện tại, Áo dài là từ tiếng Việt được từ điển Oxford - một trong những bộ từ điển uy tín hàng đầu của thế giới - công nhận.
Có thể nói không quá đằng sau lá quốc kỳ, áo dài chính là biểu tượng thiêng liêng kiêu hãnh không thể nhầm lẫn của Việt Nam.