Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh bán hàng trực tuyến
(DNTO) - Phải tạo lập kênh bán hàng trực tuyến bền vững, lâu dài, qua các sàn thương mại điện tử, đảm bảo đầu ra bền vững cho nông sản.
Livestream “Kết nối nông sản” trên fanpage của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Sức trẻ tình nguyện dường như lan tỏa rộng hơn khi các tình nguyện viên chung tay làm việc ý nghĩa: tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch.
Chị Nguyễn Minh Thúy, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một trong những người tích cực đặt mua ngay, bởi theo chị, sự chung tay của mỗi người, giúp bà con tiêu thụ nông sản ở nơi bị ảnh hưởng của vùng dịch là hết sức ý nghĩa trong thời điểm này.
“Tôi cũng rất đồng cảm với người nông dân vì nuôi trồng cả năm đến ngày thu hoạch khó tiêu thụ do dịch Covid-19. Tôi cũng thấy mua online lại có các cơ quan như Trung ương Đoàn, Bộ Nông nghiệp tham gia tổ chức chắc chắn là hàng nông sản đảm bảo, giá có cao hơn một chút nhưng lại được sử dụng sản phẩm chất lượng Vietgap” - chị Thúy nói.
Chỉ trong hơn 1 giờ livestream bán nông sản tại lễ khởi động chương trình “Kết nối nông sản” ngày 8/6 vừa qua đã có 5.000 đơn với hơn 80 tấn nông sản gồm: vải Bắc Giang, bí xanh Bắc Kạn và mận Lào Cai được đặt hàng. Và trong buổi livestream ngày sau đó, số lượng đặt hàng đã tăng thêm 4.000 đơn hàng, với gần 50 tấn nông sản. Với các bạn trẻ tham gia tình nguyện tại điểm chia sẻ trực tuyến, dù quá tải vì đơn hàng nhưng niềm vui thì không thể tả hết.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Sức mạnh của hệ thống đoàn thanh niên 4 cấp và những lợi thế của công nghệ số đã kết nối các tình nguyện viên, hộ gia đình, các cửa hàng, địa điểm của Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội nông dân Việt Nam trong cả nước, để hình thành các điểm nông sản bán trực tiếp.
Đặc biệt, trong số đó, sự tham gia của những văn nghệ sỹ trẻ trong các buổi bán nông sản trực tuyến trên nền tảng số, mạng xã hội đã mang lại những hiệu quả bất ngờ. Không dừng ở đó, Trung ương đoàn còn tổ chức tập huấn cho người nông dân năng bán hàng trực tuyến để tăng lượng tiêu thụ hàng nông sản trong mùa dịch này.
“Chúng tôi sẽ tổ chức khoảng 20 khóa tập huấn cho các bạn thanh niên nông thôn, cho bà con nông dân, cho các bạn có khả năng tham gia vào các chuỗi liên kết thực hiện các hoạt động bán hàng trực tuyến, tôi hy vọng với sự tham gia đồng bộ như vậy kết nối nông sản thực sự sẽ san sẻ yêu thương và vượt qua đại dịch” - Bí thư thứ nhất TW Đoàn, anh Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong hoàn cảnh dịch dã, kết nối nông sản trực tuyến đã cho thấy những hiệu quả bất ngờ và là bài học về sự kết hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương với bà con nông dân và những người tình nguyện. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Đây không chỉ là kết nối tức thời, mà là sự kết nối bền vững lâu dài để định hình phương thức sản xuất mới gắn kết giữa sản xuất, quy hoạch với thị trường tiêu thụ, với xuất khẩu để hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.
“Việc phân phối bằng hình thức trực tuyến, các kênh bán hàng trên internet tức là đang chuyển đổi số trong nông nghiệp, thực hiện Chính phủ điện tử. Qua các phương tiện thông tin đại chúng người tiêu dùng hiểu rõ, thực chất và chất lượng cao, có quy trình có truy suất nguồn gốc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch vận chuyển. Khi chốt đơn hàng, thời gian chờ đợi không lâu, mọi vùng miền chốt được đơn hàng” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói
Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết, để đưa nông sản lên sàn thương mại một cách bài bản, bền vững trên diện rộng mà không chỉ là mua bán mùa vụ, vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, có những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin đối với những người trực tiếp sản xuất, đảm bảo chất lượng, nguồn hàng ổn định. Bên cạnh đó, khâu vận chuyển, bảo quản hàng hoá cũng phải được xử lý tốt, để thực phẩm của khách hàng giữ được chất lượng cao nhất, hạn chế tối đa những rủi ro về khiếu nại chất lượng sản phẩm.
Việt Nam có 7 vùng sinh thái với 7 vùng thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau, mỗi vùng cũng sẽ cho kết tinh những sản vật, nông sản khác nhau. Những năm trước, nông sản của nước ta đã xuất khẩu tới 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kênh phân phối này.
Phân phối hàng hóa qua hình thức trực tuyến, các kênh bán hàng trên internet được xem là tiền đề cho phương thức giao thương lâu dài giữa các vùng miền với một thị trường tiêu thụ lên tới 100 triệu dân xích lại gần nhau hơn. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là chốt đơn, chuyển hàng đến tay người tiêu dùng như thế nào, cũng như cam kết đảm bảo chất lượng đúng như quảng bá... để nông sản Việt không còn cảnh rớt giá giữa mùa thu hoạch.