‘Lợi đơn, lợi kép’ khi siêu thị ‘bắt tay’ sàn thương mại điện tử bán hàng
(DNTO) - Hệ thống siêu thị có thể tận dụng năng lực vận hành thương mại điện tử và tập khách hàng rộng của sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, các sàn có thể giảm được chi phí logistics, đồng thời mở rộng khả năng phân phối ra các tỉnh thành, và tăng lượng hàng hóa bán ra.
‘Rủ’ nhau làm ăn chung trong mùa dịch
Nhằm hỗ trợ đầu ra cho vải thiều Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch, 6 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam gồm Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Voso, Postmart… cùng các siêu thị lớn như VinMart, BigC/Go, Foodmap… tham gia vào chương trình “Chung tay ủng hộ vải thiều Bắc Giang” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai.
Đặc biệt, đây là năm đầu tiên có sự kết hợp giữa sàn thương mại điện tử và hệ thống siêu thị để hình thành phương thức phân phối mới cho vải thiều Bắc Giang.
Cụ thể, Sàn Thương mại điện tử Tiki đã hợp tác với đối tác chiến lược Tập đoàn Central Retail, hình thành gian hàng của Big C (GO!) - Central Retail trên TikiNGON để phân phối vải thiều Bắc Giang tới khách hàng ở 26 tỉnh thành trên cả nước, từ ngày 5/6 đến hết ngày 15/6, với lượng tiêu thụ dự kiến lên tới 16 tấn.
Chương trình “Chung tay ủng hộ vải thiều Bắc Giang” năm nay cũng đánh dấu cho lần hợp tác đầu tiên giữa Tiki và Central Retail.
Bà Vũ Thị Nhật Linh - Phó tổng giám đốc Quản lý Sàn Thương mại tại Tiki cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp cùng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Central Retail và nhiều đối tác khác để triển khai thêm các chương trình đồng hành cùng nông dân địa phương, hỗ trợ tiêu thụ các đặc sản vùng miền như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), nhãn lồng Hưng Yên, xoài Cam Lâm...
Cũng trong khuôn khổ chương trình “Chung tay ủng hộ vải thiều Bắc Giang”, Sàn Thương mại điện tử Lazada cũng kết hợp cùng 2 nhà bán lẻ VinMart và FoodMap (chuyên phân phối thực phẩm, trái cây).
Cụ thể, từ 8/6 đến hết tháng 7/2021, vải thiều Bắc Giang sẽ chính thức lên sàn Lazada thông qua 2 gian hàng chính hãng của VinMart và FoodMap, ưu đãi phí vận chuyển và giao hàng nhanh trong 4 giờ. Toàn bộ nguồn hàng sẽ được thu mua, bảo quản, đóng gói theo quy trình nghiêm ngặt tại kho hàng của VinMart và FoodMap, để đảm bảo chất lượng của quả vải.
Chia sẻ về sự kết hợp này, ông James Dong – Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết, ngoài việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, việc hợp tác với VinMart và FoodMap trong việc mở bán vải thiều Bắc Giang trên sàn Lazada cũng là định hướng dài hạn của sàn này để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương phát triển kinh doanh trên nền tảng số.
Còn ông Phạm Ngọc Anh Tùng – người sáng lập FoodMap cho biết, trong khi FoodMap có thế mạnh trong việc thu mua, tuyển chọn những mặt hàng nông sản chất lượng thì Sàn Thương mại điện tử Lazada có thế mạnh về phân phối, sẽ trực tiếp đưa những trái vải ngon nhất đến người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo sự an toàn mua sắm mùa dịch.
Cùng hoàn thiện các mảnh ghép còn thiếu
Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, trước đây, để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các nhà bán hàng có thể chủ động nguồn hàng tận gốc hoặc nhập qua doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, cả hai hình thức này đều phải chịu chi phí lớn về logistics hoặc chi phí chi trả cho doanh nghiệp đầu mối.
Còn đối với các siêu thị, trước đây chủ yếu tập trung vào phương thức phân phối truyền thống. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc khiến lượng khách hàng đến mua sắm trực tiếp tại hệ thống siêu thị sụt giảm. Cùng với đó, các siêu thị không có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành gian hàng online nên khó khăn khi xử lý các đơn hàng trực tuyến.
Do vậy, sự kết hợp giữa siêu thị truyền thống và nhà bán hàng trực tuyến thực sự mang lại nhiều lợi ích cho các bên bán và người tiêu dùng.
“Trong khi hệ thống siêu thị có thể tận dụng được năng lực vận hành thương mại điện tử cũng như tập khách hàng rộng của nhà bán hàng trực tuyến, thì các nhà bán hàng trực tuyến có thể giảm được chi phí logistics, đồng thời mở rộng phạm vi các tỉnh thành có khả năng phân phối, tăng lượng hàng hóa bán ra. Với mô hình này, thực sự hai bên đã tận dụng được những lợi thế của nhau để cùng bắt tay tạo ra lợi thế trong phân phối” - ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết.
Sự hợp tác của các sàn thương mại điện tử với các đối tác chiến lược lớn như Centrel Retail, Vincommerce hay FoodMap trong lần hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm nay được đánh giá là rất tích cực. Đây sẽ là một hướng đi mới góp phần không nhỏ vào cuộc chuyển giao công nghệ và phân phối hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, giúp các hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp địa phương có thêm giải pháp tiêu thụ hàng hoá bền vững, lâu dài, hạn chế tình trạng phải kêu gọi “giải cứu” mỗi vụ thu hoạch.