Bán nông sản qua mạng: Sàn thương mại điện tử phải đuổi kịp nông dân
(DNTO) - Người dân trồng vải Bắc Giang và Hải Dương nhận sự ủng hộ lớn từ các cơ quan, tổ chức để tiêu thụ một lượng lớn nông sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Rất nhiều loại đặc sản địa phương đã theo đà lên sàn thương mại điện tử, nhưng việc đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của các sàn thì sao?
Nhờ việc mở bán trên mạng hay các sàn thương mại điện tử (TMĐT), không ít vùng trồng vải, mận, xoài, bưởi… đã tiêu thụ tốt sản phẩm ngay từ đầu mùa, tránh được tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá. Còn người tiêu dùng chỉ cần đặt hàng online là được thưởng thức trái cây đặc sản mà thông thường tìm mua không dễ. Nhiều sàn xác nhận hàng đưa lên bao nhiêu bán hết bấy nhiêu; nhiều thời điểm nhu cầu đặt hàng lớn nhưng không còn hàng để bán.
Có thể nói, chưa năm nào các sàn TMĐT cùng cơ quan quản lý nhà nước lại triển khai nhiều chiến dịch kết nối và hỗ trợ tiêu thụ các loại trái cây đặc sản vùng miền như năm nay.
Bà con nông dân người thì nhờ các tổ chức hỗ trợ tiêu thụ, người thì tự mình đăng bán trên các trang mạng. Có thể thấy, tốc độ tiếp cận với công nghệ và kinh doanh số hóa của người dân rất nhanh. Tuy nhiên, chỉ có người bán nhanh thôi thì chưa đủ.
Một trong những mắt xích tối quan trọng trong thương mại điện tử chính là logistics, nhất là đối với nông sản, hạn sử dụng được tính bằng ngày thì chỉ cần công đoạn giao hàng chậm trễ thì khách hàng chỉ nhận được đồ hỏng.
Và thực tế đã chứng minh việc này là hiện hữu. Chia sẻ trên báo Người Lao Động, Chị H.V (quận 4, TP.HCM) đặt 3kg vải thiều trên một sàn thương mại điện tử, sau 3 ngày mới được nhận hàng nhưng hầu hết đều bị hư.
Chị H.V cho biết khi mở thùng vải ra chị bất ngờ vì toàn bộ số vải đã hư hỏng, đổi màu và có mùi lạ, cành lá cũng khô héo. "Vải là loại trái cây cần được bảo quản cẩn thận trong quá trình giao hàng, nhưng không hiểu sao người bán hàng không có biện pháp bảo quản lạnh. Bên giao nhận cũng không kiểm tra lại hàng trước khi giao cho khách, để đến tay tôi là những trái vải mốc meo, mùi rất khó chịu", chị H.V nói.
Phản hồi thông tin với bên bán, chị H.V được giải thích là do thời tiết quá nóng nên sản phẩm bị hư trong quá trình vận chuyển. "Họ còn nói những đơn hàng trước họ có đóng kèm theo nước đá để bảo quản sản phẩm, nhưng do phải bay quãng đường xa, nước đá sẽ khiến trái cây bị hư nên họ chuyển sang cách đục lỗ và lót lá trong thùng" - chị V kể thêm.
Tuy nhiên tình trạng này không xảy ra với toàn bộ các sàn TMĐT uy tín hiện nay. Một sàn TMĐT chia sẻ về quy trình tuyển lựa, bảo quản, vận chuyển trái vải khá kỳ công từ 12 -15 hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Bắc Giang đến tay người dùng Hà Nội và TP.HCM. Mỗi HTX trồng và thu gom vải thiều với rất nhiều tiêu chuẩn tùy theo nhu cầu của bên mua, nhưng sàn chỉ chấp nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Sau đó, phía sàn dự kiến sản lượng tiêu thụ theo từng thời điểm và báo cụ thể cho HTX.
Trên cơ sở số đơn đặt hàng, các HTX tổ chức thu hoạch, đóng gói theo quy cách do phía đặt hàng là sàn TMĐT đưa ra. Sàn tiếp nhận sản phẩm ngay tại vườn và chuyển tới các kho tập trung tại Hà Nội và TP.HCM bằng xe lạnh.
Nhờ vào một quy trình kỹ càng và khép kín như vậy nên các đơn hàng khi đến tay người mua đều giữ được trạng thái tươi ngon nhất, mặc dù khoảng cách địa lý là rất xa.
TMĐT hiện nay rất đa dạng về phương thức vận hành, hoạt động. Việc xảy ra sự cố gây hư hỏng hàng hóa, nhất là các loại hàng hóa có hạn sử dụng ngắn như nông sản rất dễ đánh mất thiện cảm của khách hàng. Vì thế, đối với mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền, các sàn TMĐT hay đơn vị vận chuyển phải rất cân nhắc khi triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ bà con để tránh tình trạng "lợi bất cập hại".