Hai chuyến tàu cao tốc chở nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long về tới TP.HCM
(DNTO) - Trong trưa nay, 19/7, hai chuyến tàu cao tốc đầu tiên chở nông sản thực phẩm từ các tỉnh ĐBSCL sẽ cập bến Bạch Đằng, cung cấp hàng hóa, nông sản cho người dân TP.HCM, thông tin từ Sở Công thương.
Theo đó, hai tàu cao tốc của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh (Greenlines DP), đã xuất phát từ TP.HCM đi Long An, Tiền Giang, Bến Tre để lấy hàng sau khi phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng tàu cao tốc, được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thông qua. Điểm nhận hàng là bến Bạch Đằng (quận 1).
Theo Sở Công thương TP.HCM, dự kiến có 5 tàu cao tốc (khoảng 20 tấn hàng hóa/chuyến) sẽ đi lấy hàng các bến cảng nội địa ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre..., và cập bến Bạch Đằng để lên hàng. Hàng hóa thiết yếu được vận chuyển bao gồm lương thực, thực phẩm như gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản... và trang thiết bị y tế, nguyên vật liệu phục vụ phòng chống dịch.
Khi hàng về bến Bạch Đằng, các doanh nghiệp điều xe trung chuyển nhận hàng.
Sở Công thương TP.HCM cũng cho biết đang tiếp nhận thêm nhu cầu của các đơn vị. Đến nay, đã có hệ thống Bách Hóa Xanh đăng ký nhận 20 tấn rau củ quả.
Trước đó, theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Tây Ninh, kể từ 9g ngày 18/7, tỉnh Tây Ninh đã mở cửa hoạt động bãi sang hàng hóa, nông sản tại Trạm xăng dầu Suối Sâu (thị xã Trảng Bàng).
Thời gian hoạt động của bãi sang hàng hóa, nông sản tại Trạm xăng dầu Suối Sâu (thị xã Trảng Bàng) bắt đầu từ 4g đến 19g hàng ngày.
Sở Công thương TP.HCM mong muốn, với việc đưa vào vận hành các điểm trung chuyển, nhận hàng mới sẽ góp phần cải thiện nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân TP.HCM.
Cũng theo thông tin từ Sở Công thương, về việc mở cửa hoạt động trở lại các chợ truyền thống trên địa bàn, hiện thành phố đã có chủ trương.
Theo đó, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch, các chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh là yêu cầu có tính bắt buộc.
Có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K. Tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá ngành hàng bán phục vụ thực phẩm tươi sống, rau củ quả
Nếu không gian chợ chưa đảm bảo, có thể sử dụng các mặt bằng phù họp để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn. Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại do UBND quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế quyết định.
Sở Công thương đã có hướng dẫn giải pháp thí điểm về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch: 5K, phân luồng, bán hàng đồng giá, dựng vách ngăn...
Hiện các quận, huyện đã tổ chức mở cửa hoạt động trở lại 3 chợ: Phú Thọ, quận 11, An Đông quận 5, Kiến Thành quận Bình Tân.
Các quận, huyện đang xây dựng phương án và sẽ sớm tiếp tục tổ chức mở lại thêm nhiều chợ trên địa bàn.
Tính đến ngày 17/7, trên địa bàn thành phố chỉ còn 46/237 chợ đang hoạt động. Số chợ tạm ngưng hoạt động là 191/237, trong đó có 3 chợ đầu mối, 188 chợ truyền thống.