Ngành nông nghiệp từng bước 'chuyển mình', đón sóng đầu tư
(DNTO) - Dù phải đối mặt với "bóng ma" Covid-19, nhưng với chiến lược “biến nguy thành cơ", nông nghiệp Việt tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng nhờ phát triển các mô hình sản xuất thông minh - bàn đạp để "đón sóng" đầu tư, làn sóng được kỳ vọng sẽ mang đến "sức bật" mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Bức tranh nông nghiệp với nhiều “gam màu” sáng
Kết thúc năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều cả nước đạt khoảng 541 tỷ USD, ngành Nông nghiệp đóng góp xuất khẩu tới 41,2 tỷ USD và Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất.
Điểm nhấn của hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 phải kể đến việc các ngành hàng đã bước đầu tiếp cận hiệu quả thị trường châu Âu, nhờ vào những lợi thế khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Nhiều mặt hàng có giá trị tăng cao của Việt Nam như gạo, trái cây, thủy sản… đã đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD như gỗ, hạt điều, rau quả, tôm, gạo. Tăng trưởng ấn tượng nhất là lúa gạo, với sản lượng đạt 42,7 triệu tấn không chỉ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hỗ trợ các quốc gia khác mà còn vươn lên một tầm cao mới trong xuất khẩu.
Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm 85%, đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chế biến trong nông nghiệp cũng đạt kết quả. 5 năm qua, đã xây dựng được 68 nhà máy chế biến nông sản, riêng năm 2020, xây dựng khoảng 20 nhà máy. Xây dựng Nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành Nông nghiệp, trong khó khăn cho thấy vai trò sống còn, nhằm bảo đảm an ninh lương thực, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế phát triển bình thường và tăng trưởng dương.
Có thể thấy, triển khai thực hiện định hướng chung của Bộ NN&PTNT về cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đổi mới mô hình sản xuất, ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng kể, thiết thực. Ðiều này được thể hiện rõ nét qua các mô hình kinh tế hiệu quả cũng như niềm tin của nông dân vào các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp chung của tỉnh thông qua việc đồng lòng hướng tới phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đón đầu các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từng bước hút vốn đầu tư nhờ 3 lĩnh vực nông nghiệp "mũi nhọn"
Trái với triển vọng ảm đạm ở các nước Đông Nam Á khác, lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm tại Việt Nam đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ nhờ dòng vốn đầu tư ngày càng lớn, đặc biệt là vào ba nhóm ngành mũi nhọn: tôm, thịt heo và gia cầm.
Chẳng hạn như Tập đoàn Vingroup thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao mang thương hiệu VinEco, cung cấp nông sản sạch bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap cho chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+. Hay như PAN Group cũng triển khai một loạt các dự án đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Cuộc đua đổ vốn còn phải kể đến các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó không thể không nói đến một tập đoàn của Nhật là Ushichan đã hợp tác với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn để phát triển chuỗi chăn nuôi bò chất lượng cao tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).
Đặc biệt, gần đây nhất, dòng vốn đầu tư đổ vào các cơ sở chế biến tôm ở Việt Nam tăng trưởng mạnh trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước đặt mục tiêu đưa nước ta trở thành nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới. Dù đại dịch khiến xuất khẩu tôm đình trệ, ít nhất 6 nhà máy mới chế biến tôm đã được xây dựng tại Việt Nam trong năm vừa qua, tổng công suất đạt gần 100.000 tấn. Tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu đã thúc đẩy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản thời gian gần đây.
Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước mới hoàn thành nhà máy chế biến tôm An An tại tỉnh Tiền Giang. Được xây dựng với chi phí hơn 400 tỷ đồng, nhà máy này có thể chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày và có kho lạnh cho khoảng 3.000 tấn tôm.
Đầu năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhà sản xuất tôm lớn nhất tại Việt Nam, tuyên bố sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho hai nhà máy chế biến lớn ở Hậu Giang và Cà Mau. Hai cơ sở mới dự kiến có công suất hàng năm gần 50.000 tấn.
Ngoài tôm, ngành chăn nuôi heo của Việt Nam cũng đang dần khởi sắc trở lại sau khi bị dịch ASF tàn phá hai năm qua. Thông tin từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, đàn heo của nước ta năm ngoái đạt 27,3 triệu con, tăng 20% so với năm 2019 và tương đương 87% so với mức từng ghi nhận trước dịch ASF.
Tháng trước, Chính phủ Việt Nam phải huy động toàn quốc chống dịch cúm gia cầm. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm vì dịch tái bùng phát. Song, không vì thế mà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia cầm của Việt Nam giảm sút.
Đầu năm nay, De Heus (Hà Lan) - nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới, đã cùng các đối tác như Tập đoàn Bel Gà (Bỉ) và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư xây dựng một khu phức hợp chăn nuôi gà truy xuất nguồn gốc 100% tại tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, nơi này còn có 250 trang trại sản xuất gà thịt với tổng công suất 25 triệu con gà thịt/năm và một nhà máy chế biến thực phẩm.
Tập đoàn Thaifoods (Thái Lan) cũng đầu tư 23 triệu USD vào các trang trại chăn nuôi gà và một trại sản xuất giống ở nước ta với quy mô 800.000 gà con/tuần vào năm tới. Thaifoods còn có kế hoạch xây dựng một lò giết mổ và một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cuối năm ngoái, Công ty Cổ phần Masan MEATLife - một công ty thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan cũng tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi gia cầm thông qua thỏa thuận mua 51% cổ phần của Công ty 3F Việt.
Có thể nói, để tạo "lực hấp dẫn" khơi luồng vốn đổ vào nông nghiệp và tạo nên bước chuyển thực chất cho ngành này, từ những điểm sáng ban đầu của những doanh nghiệp tiên phong, cần đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để có ngày một nhiều hơn nữa doanh nghiệp thay đổi tư duy “chỉ biết làm lương thực” sang tư duy “nông nghiệp làm giàu”, góp phần tạo nên giá trị gia tăng lớn hơn cho nông nghiệp.