Xây dựng định hướng đầu tư tín dụng gắn với sản xuất nông nghiệp
(DNTO) - Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng định hướng đầu tư tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết, tăng tỷ trọng phục vụ hoạt động chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao giá trị, chất lượng nông sản.
Giải pháp phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn
Thời gian qua, nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư vốn. Dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đã được khơi thông, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Hàng loạt chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, tiếp sức cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng định hướng đầu tư tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với thực tế và quy hoạch phát triển ngành, trong đó chú trọng vào một số nội dung:
Đánh giá lại nhu cầu thị trường, nghiên cứu các định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và các nông sản chủ lực để xây dựng định hướng đầu tư tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nhằm đa dạng hóa danh mục tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng;
Đầu tư tín dụng hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; tăng tỷ trọng phục vụ hoạt động chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản;
Chú trọng cho vay trên cơ sở các hợp đồng liên kết giữa cơ sở chế biến xuất khẩu với người sản xuất; liên kết thông qua mô hình cánh đồng lớn, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm hướng tới các doanh nghiệp giữ vai trò “đầu tàu”, “trụ cột” để dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị vào chuỗi giá trị;
Cho vay thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo vùng sản xuất tập trung, tập trung vào các danh mục sản phẩm chủ lực, các thế mạnh của địa phương theo định hướng chung và trên cơ sở lợi thế so sánh của địa phương, của vùng, qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng. Trong đó, lưu ý thực tế phát triển thế mạnh của từng vùng trong thời gian qua, định hướng phát triển vùng trong thời gian tới;
Tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng; nghiên cứu các hình thức cho vay phù hợp với yêu cầu phát triển cây trồng, vật nuôi và tăng cường tính liên kết giữa cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu, xây dựng tiêu chí đánh giá tín dụng trên cơ sở cân nhắc và sử dụng mối quan hệ và thông tin chuỗi bên cạnh việc dựa trên thông tin khách hàng vay;
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân ở nông thôn đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của tổ chức tín dụng về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc của khách hàng trong quá trình cho vay.