Tháo gỡ rào cản đất đai để hút vốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
(DNTO) - Để chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trở thành 'bà đỡ' thực sự cho lĩnh vực này phát triển, theo TS. Cấn Văn Lực, cần đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn; hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất để hợp tác, sản xuất lớn.
Xoay quanh việc làm thế nào để nắn dòng vốn đổ vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đã có cuộc trao đổi với Doanh Nhân Trẻ Việt Nam về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết dòng vốn chảy vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiện ra sao?
TS. Cấn Văn Lực: Chúng tôi đã có rà soát tổng thể toàn bộ nguồn vốn của nền kinh tế Việt Nam cho lĩnh vực tam nông, bao gồm nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì thấy có 5 nguồn vốn cơ bản.
Thứ nhất là nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thông thường nguồn này được cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm vào khoảng 70 nghìn tỷ đồng, giải ngân đâu đó khoảng 50 nghìn tỷ/năm, trong suốt giai đoạn 2016-2020 vừa qua.
Nguồn thứ hai là chương trình nông thôn mới. Nguồn vốn này khoảng 50 nghìn tỷ đồng/năm.
Nguồn thứ ba là nguồn vốn nước ngoài, bao gồm vốn FDI, ODA. Riêng ODA của Việt Nam mỗi năm dành ra khoảng 10 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Còn vốn FDI tương đối khiêm tốn, chỉ được khoảng 1% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam, tức là 1 năm ở mức khoảng 500 tỷ đồng.
Một nguồn nữa rất quan trọng là từ các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng. Hiện tổng dư nợ khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, và hàng năm tăng khoảng 19% trong 4 năm vừa qua. Như vậy, ta hình dung mỗi năm có khoảng 300 đến 350 nghìn tỷ đồng được bơm ra từ khối ngân hàng cho lĩnh vực tam nông.
Nguồn cuối cùng là nguồn vốn tổ chức tài chính vi mô. Chúng ta có 30-40 tổ chức này, cung cấp 1 năm khoảng 6.000 tỷ. Cộng tất cả các tổ nguồn vốn này, một năm cung cấp cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tương đương với khoảng 23,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đóng góp khoảng 14% GDP, như vậy, vốn bỏ ra so với đóng góp vào GDP của khối này là chưa đạt kết quả như mong muốn.
Như vậy không có nghĩa là chúng ta không hoàn toàn thiếu vốn, cơ bản ở đây là có chỗ thiếu, chỗ thừa. Mặt thứ hai là hiệu quả sử dụng đồng vốn chưa cao. Thứ ba là nguồn vốn nước ngoài thu hút vào lĩnh vực này quá khiêm tốn, chỉ chiếm 1% tổng FDI.
* Theo ông, làm thế nào để thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao?
- Việc nước ngoài muốn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn Việt Nam, về cơ bản họ muốn hiểu rõ về câu chuyện quy hoạch, tích tụ đất đai của Việt Nam, qua đó mới làm được cánh đồng lớn, rồi nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, câu chuyện liên quan đến thủ tục, quy trình chuyển giao công nghệ không quá phức tạp.
Thứ nữa là đầu ra sản phẩm cho phép nhà đầu tư nước ngoài được bán cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt phải đủ tiêu chuẩn VietGap cũng như tiêu chuẩn quốc tế. Tôi cho rằng vấn đề này có nhiều tiến triển thời gian qua, nhưng không nhiều.
Vấn đề nữa là chúng ta chưa có một chính sách tổng thể để phát triển chuỗi giá trị cho nền nông nghiệp. Hiện chúng ta chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt ở những khâu đầu (sản xuất), còn khâu chế biến, bảo quản, mẫu mã, xuất khẩu… cơ bản có tích cực, nhưng giá trị gia tăng chưa cao.
* Ông có thể phân tích vì sao nguồn vốn rót vào nông nghiệp và khả năng hấp thụ vốn trong nông nghiệp chưa được như mong đợi?
- Thực ra việc hấp thụ vốn trong lĩnh vực này chưa tốt chính là do số lượng doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tương đối ít. Cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tam nông, nếu so với 750.000 doanh nghiệp toàn quốc thì rõ ràng số lượng này còn quá khiêm tốn.
Mặc dù tôi thấy thời gian vừa qua Chính phủ đã có 2 nghị định để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhưng chưa được nhiều lắm. Vì lĩnh vực này thường vướng vào mặt bằng, đất đai, quy hoạch.
* Có giải pháp mấu chốt nào để tạo lực đẩy cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt?
- Như tôi đã phân tích, vướng mắc lớn nhất bây giờ là vấn đề đất đai. Doanh nghiệp muốn tích tụ đất đai để làm nông nghiệp, mà lại yêu cầu doanh nghiệp phải tự làm thì không thể thực hiện được. Việc này phải có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, thậm chí nếu liên kết tỉnh thì Trung ương phải vào cuộc.
Về vấn đề vốn, đòi hỏi sự đồng bộ các nguồn vốn khác nhau, cả nguồn vốn tư nhân và Nhà nước. Cách thức sử dụng làm sao cho hợp lý.
Vấn đề nữa là công nghệ, người nông dân đã ứng dụng một phần công nghệ cho lĩnh vực của mình, nhưng rõ ràng vẫn còn manh mún, tự phát, chưa có hệ thống hay chương trình công nghệ hỗ trợ nông dân một cách thích đáng, phù hợp.
* Ngành nông nghiệp cần làm gì để thu hút nhà đầu tư, thưa ông?
- Tôi cho rằng việc thông tin, truyền thông, quảng bá về lĩnh vực tiềm năng thì doanh nghiệp rất tinh ý, họ biết ngay cần làm gì. Gần đây doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng, từ kinh doanh bất động sản sang kinh doanh sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.
Nhưng chuyện tích tụ đất đai vô cùng khó khăn, rồi vấn đề về tài sản thế chấp đối với các nông nghiệp công nghệ cao đang gặp vướng mắc. Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm vào cuộc để tháo gỡ điều này. Tức là cho phép chấp nhận nhà kính, nhà lưới, ao nuôi… là tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, đây là hướng đi cần thiết. Nghị định 55 và nghị định gần đây cho phép làm điều đó.
Thứ hai là chuỗi giá trị. Doanh nghiệp hiện nay không chỉ dựa vào một khâu, mà phải là hệ sinh thái và chuỗi giá trị. Các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương cần giúp họ kết nối chuỗi giá trị, nhất là khâu chế biến, xuất khẩu, đây là khâu thúc đẩy giá trị gia tăng.
Cuối cùng, chúng ta chưa có chương trình bảo hiểm nông nghiệp thực sự hữu ích. Cách đây 2 năm Chính phủ ban hành nghị định chủ yếu hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, chứ chưa có chương trình bảo hiểm nông nghiệp. Bảo hiểm chính là bệ đỡ để người nông dân tự tin hơn, và doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực đó. Việc này các nước đã và đang làm rất tốt.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!