Đổi mới sáng tạo giúp nông nghiệp Việt nâng cao tính cạnh tranh
(DNTO) - Hiện nay, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp đang là đòi hỏi bắt buộc để các doanh nghiệp vượt lên chính mình, tự làm mới mình để có thể nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng tính cạnh tranh một cách bền vững.
Những "rào cản" bủa vây ngành nông nghiệp
Chiều 13/4, chương trình “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp” (GRAFT Challenge Vietnam 2021) chính thức được phát động. Chương trình sẽ kết nối các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp (AgriTech) hàng đầu với các đối tác và các nguồn lực hỗ trợ mở rộng quy mô trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số tại Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp đang là đòi hỏi bắt buộc để các doanh nghiệp vượt lên chính mình, tự làm mới mình để có thể nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng tính cạnh tranh một cách bền vững.... Đây là những vấn đề đặt ra đối với khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong thời điểm nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
“Khả năng phục hồi của Việt Nam trong đại dịch Covid-19 cùng với vị thế là một cường quốc xuất khẩu nông nghiệp, đã chứng minh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần có những giải pháp công nghệ đột phá để có thể tận dụng hết những cơ hội đó, để tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi, phát triển công nghệ nông nghiệp", ông Tùng cho hay.
Cũng theo ông Tùng, phát triển trong nông nghiệp không chỉ bàn về các yếu tố kỹ thuật và quy trình sản xuất, mà còn cần xây dựng phương thức tổ chức mới. Phương thức tổ chức mới là điều hết sức quan trọng, bởi lâu nay chúng ta kêu gọi rất nhiều về hợp tác "bốn nhà", nhưng trên thực tế sự hợp tác đó phần lớn không thực chất và kém hiệu quả. Khi xảy ra tranh chấp thường rất khó xử lý, vì cứ vướng giữa tình và lý.
"Cần cách thức hợp lý, thông minh hơn, giúp cho các bên tham gia đứng vững và phát triển được trong điều kiện thay đổi của tự nhiên, của thị trường, của các yếu tố trong kinh doanh nông nghiệp cũng như sự phát triển của các công nghệ mới. Chỉ với cách tiếp cận rộng như vậy, nông nghiệp Việt Nam mới có thể thích ứng với bối cảnh mới với bao thách thức đang nảy sinh: vấn nạn biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và thiếu nguồn nước, tiến trình đô thị hóa cùng sự già hóa dân số làm cho nhân lực trong nông nghiệp bị cạnh tranh dữ dội bởi các lĩnh vực khác...", ông Tùng nêu rõ.
Bày tỏ quan điểm của mình, bà Phạm Hoàng Ngân, Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu và Đầu tư Kinh doanh Nông nghiệp sáng tạo (INARI) cho rằng, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt khi tiếp cận với các công nghệ mới áp dụng trong quá trình chế biến và sản xuất những sản phẩm chất lượng cao vẫn còn nhiều vướng mắc. Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc đầu tư và hướng tới thị trường quốc tế.
"Nhiều doanh nghiệp còn thiếu khả năng và chuyên môn để tiếp thu hiệu quả và hưởng lợi từ các cải tiến công nghệ và trong hầu hết các trường hợp, không có khả năng tiếp cận thông tin liên quan ở thị trường quốc tế. Mặt khác, việc tiếp cận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các dịch vụ tư vấn đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế, những cố gắng của họ vẫn còn ở mức độ nhỏ lẻ, manh mún. Điều này chứng tỏ thị trường vẫn còn thiếu một khối lượng lớn các phương thức để cải thiện việc phổ biến các sáng kiến và ứng dụng", bà Ngân cho hay.
"Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam lại không thực hiện các quy trình trồng trọt, sản xuất và chế biến sản phẩm đúng cách, dẫn đến thực phẩm có thể chứa nhiều mầm bệnh. Đồng thời, hiện tượng dư lượng chất độc hại và thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép khá phổ biến. Khối lượng các sản phẩm đưa ra thị trường còn hạn chế, các sản phẩm thường dễ hỏng là nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương", bà Ngân nhấn mạnh.
GRAFT - 'diện mạo' mới cho công nghệ nông nghiệp
Ông Tùng chia sẻ, đây là thời điểm đúng lúc và cần thiết để có một nhà phát triển hệ thống mới giúp đỡ các công ty cải tiến công nghệ, và ở mức độ thấp hơn là các doanh nghiệp mới thành lập nhằm hưởng lợi từ các cải tiến cộng nghệ và nguồn vốn, đồng thời kết nối các bên liên quan trong khu vực, tạo ra sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, GRAFT sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp AgriTech trưởng thành tại Việt Nam và trên thế giới với các giải pháp đã được thị trường kiểm chứng và sẵn sàng mở rộng quy mô. Theo đó, các doanh nghiệp cần làm rõ giải pháp của mình có thể giải quyết các thách thức của ngành như thế nào, đồng thời chỉ ra những ảnh hưởng tích cực mang lại cho cộng đồng xã hội và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Ông Justin Admed, Trưởng Đại diện Chương trình GRAFT chia sẻ: “Chương trình GRAFT sẽ kết nối những doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu Việt Nam với những giải pháp công nghệ đột phá, có khả năng giải quyết những thách thức của ngành, và tạo ra những giá trị bổ sung cho hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam...".
Ông Phan Quang Vinh, Giám đốc MBI Innovation cho biết, GRAFT sẽ tăng cường hệ thống đổi mới của Việt Nam, chuẩn bị và nắm bắt các cơ hội liên quan đến công nghiệp 4.0 và giúp định hình chương trình đổi mới của Việt Nam về khoa học và công nghệ.
"Thông qua chương trình Aus4Innovation, Úc và Việt Nam sẽ cùng nhau khám phá các lĩnh vực mới nổi về chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật số, thử nghiệm các mô hình mới trong quan hệ đối tác giữa các tổ chức khu vực công và tư nhân, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về đổi mới sáng tạo "chắp cánh" cho doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp phát triển tại thị trường Việt Nam. Sứ mệnh tìm kiếm bài toán cụ thể cho từng doanh nghiệp với những lời giải thấu đáo đó là thành công của GRAFT, để nông sản Việt Nam từ manh mún, nhỏ lẻ có thể trở thành món ăn được lựa chọn đầu tiên trên thế giới", ông Vinh nhấn mạnh.