Doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện tốt khát vọng bứt phá nếu thị trường vốn Việt Nam phát triển
(DNTO) - Trước khi có thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp chỉ có một ‘cửa’ duy nhất là huy động vốn qua ngân hàng. Từ khi thị trường chứng khoán mở ra, nhiều doanh nghiệp đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư đại chúng, từ đó, mở rộng đầu tư, cổ đông, đối tác và quy mô thị trường.
Chia sẻ về kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán, TS. Vũ Dương Hiền, Chủ tịch Tập đoàn HAPACO cho hay, từ Công ty Giấy Hải Phòng khiêm tốn, khi cổ phần hóa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu vỏn vẹn chỉ có 1,08 tỷ đồng, đến nay HAPACO đã có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100 lần so với khi chưa cổ phần hóa.
“HAPACO cũng như các doanh nghiệp, doanh nhân khác, đều mang trong tâm khát vọng phát triển, tạo ra việc làm cho người lao động, phát triển địa phương nơi mình làm việc. Chúng tôi cần thị trường vốn phát triển để giúp các doanh nghiệp gọi được vốn và vươn lên”, ông Hiền bày tỏ.
Ông Hiền cho rằng, bước phát triển đột phá của HAPACO được đánh dấu kể từ khi thực hiện cổ phần hóa. Mục đích của HAPACO khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, nhằm đa dạng hóa các kênh huy động vốn, tranh thủ huy động mọi nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội.
Thành quả thu hoạch được từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần thứ nhất, HAPACO huy động được 32 tỷ đồng, thặng dư vốn tăng trưởng 320%. Theo đó, doanh nghiệp này đã cho ra đời Nhà máy giấy Kraft, với các dây chuyền thiết bị đồng bộ, công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm bao bì công nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, công suất 22.000 tấm/năm, tạo bước đột phá trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, gia tăng doanh thu, lợi nhuận và tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn...
“Từ một Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến đến Công ty Giấy Hải Phòng nhỏ bé năm nào, khi cổ phần hóa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu vỏn vẹn chỉ có 1,08 tỷ đồng, đến nay HAPACO đã có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100 lần số với khi chưa cổ phần hóa. Trong những năm qua, HAPACO luôn đạt mức tăng trưởng trên 20% và HAPACO hôm nay đã trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh của thành phố Hải Phòng và cả nước…”, ông Hiền tự hào nói.
Doanh nghiệp cần thị trường vốn Việt Nam phát triển
Theo TS. Vũ Dương Hiền, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư hiện nay, nhu cầu tăng vốn, mở rộng thị trường, thay đổi công nghệ, xây dựng mô hình doanh nghiệp thông minh, doanh nghiệp số… là một trong những nhu cầu cấp thiết ưu tiên hàng đầu, để tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp.
Tùy theo loại hình doanh nghiệp, mô hình quản trị và các đặc điểm cụ thể, mỗi doanh nghiệp có thể có các phương thức huy động vốn khác nhau. Và hiện nay phần lớn các doanh nghiệp huy động vốn qua hai kênh chủ đạo, huy động vốn qua thị trường chứng khoán và vốn vay ngân hàng, mỗi kênh đều có sự khác biệt và những lợi thế nhất định.
Ông Hiền nhận định, huy động vốn qua thị trường chứng khoán dưới hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi… trực tiếp, gián tiếp, có tính chất bền vững hơn, phạm vi rộng hơn, hợp tác được với đông đảo công chúng đầu tư trong nước và nước ngoài, tìm kiếm được đối tác trực tiếp phù hợp với kế hoạch phát triển doanh nghiệp, phù hợp với từng dự án đầu tư.
Tuy nhiên, kênh huy động này có những hạn chế nhất định do các rào cản về thủ tục hành chính còn phức tạp, thời gian hoàn thiện các quy trình về hồ sơ thủ tục xin cấp phép phát hành…mất rất nhiều thời gian, chi phí, tác động không nhỏ đến cơ hội kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
Huy động vốn qua kênh vay ngân hàng, thủ tục đơn giản hơn, tiết kiệm được thời gian; kênh huy động này cũng có những hạn chế nhất định, nguồn vốn vay bị hạn chế do hạn mức, lãi suất cao, biến động…(đặc biệt là lãi suất thả nổi, trong trường hợp kinh tế vĩ mô không ổn định, thị trường biến động phức tạp, tác động lạm phát, tỷ giá và thị trường ngoại hối…) làm tăng chi phí, tác động làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giảm hiệu quả dự án đầu tư (doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư kém hơn (thấp) so với doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán).
Theo ông Hiền, để doanh nghiệp đại chúng hoạt động ổn định, phát triển bền vững, trong bối cảnh hiện nay đại đa số các doanh nghiệp lựa chọn song hành cả 2 kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán và qua kênh vay các ngân hàng để bảo đảm sự chủ động, bổ trợ tác động qua lại để tăng năng lực tài chính, bảo đảm cho các kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng và đầu tư phát triển trong ngắn hạn và dài hạn.
Ông Hiền bày tỏ: “Doanh nghiệp cần thị trường vốn Việt Nam phát triển. Chúng tôi chỉ có thể thực hiện tốt khát vọng bứt phá, nếu thị trường vốn Việt Nam, nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua các khó khăn hiện hữu, tiếp tục phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư rót vốn vào thị trường. Các doanh nghiệp như HAPACO sẽ huy động được vốn mới, mở rộng cổ đông, mở rộng đối tác, tạo thành một sức mạnh lớn hơn, tạo ra lợi ích lớn hơn cho chính mình và cho Đất nước nói chung”.