Chuyển đổi số tạo ra 'luồng sinh khí mới' cho ngành nông nghiệp
(DNTO) - Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là thực trạng nhức nhối của nền nông nghiệp Việt Nam. Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang là đòi hỏi cấp bách, 'sống còn' với các doanh nghiệp hiện nay để tồn tại, phát triển, tăng sức cạnh tranh và bứt phá.
Nhanh chóng 'bứt tốc' chuyển đổi số
Năm qua, ngành nông nghiệp đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng đối với sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là nhiệm vụ "sống còn" cho tương lai nông nghiệp Việt. Do đó, để bảo đảm chuyển đổi số trong nông nghiệp thì cần "đi ngay, đi nhanh và đi chính xác" để thay đổi bộ mặt nền ông nghiệp Việt Nam.
Bày tỏ quan điểm của mình, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ khoa học công nghệ và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhiều các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, đồng thời nêu một số ứng dụng công nghệ đang được triển khai trong ngành nông nghiệp.
"Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, với mục tiêu mỗi nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử", bà Thuỷ nhận định.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp và hộ nông dân Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số vào việc quản lý vùng nuôi trồng, trang trại, nhằm tăng năng suất và giá trị thương phẩm. Các công nghệ số được ứng dụng có thể kể đến như công nghệ cảm biến, robot hay Drone, điện toán đám mây...
Cụ thể, trong ngành trồng trọt, công nghệ IOT, big data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy suất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực.
Trong ngành chăn nuôi, công nghệ IOT, blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk.
Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản, công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng.
Ngành thủy sản cũng chuyển đổi số mạnh mẽ, như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ...
Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản.
Những 'trái ngọt' từ 4.0
Có thể nói, chuyển đổi số là "chìa khóa" giúp ngành nông nghiệp thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một "luồng sinh khí" mới cho ngành nông nghiệp.
Cụ thể, thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng, cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ… được triển khai đem lại giá trị hàng hóa lớn, thân thiện với môi trường. Trong khu vực nông, lâm, thủy sản, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cũng là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012 – 2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP cho giá trị kinh tế cao. Từng chuyên ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỉ trọng đóng góp cho tăng trưởng.
Hiện năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và 1,5 lần so với Ấn Độ; trở thành quốc gia có chỉ số bền vững an ninh lương thực cao hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á.
Năm 2020, mặc dù phải gánh chịu thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, dịch Covid-19…), nhưng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh nên ngành nông nghiệp vẫn vượt qua khó khăn, thực hiện tốt “mục tiêu kép” là vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. Giá trị sản xuất toàn ngành trong năm ước tăng 2,75% so với năm 2019. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,7%; lâm nghiệp tăng 2,4%; thủy sản tăng 3,3%; GDP toàn ngành dự kiến tăng 2,65%, giúp bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Điển hình, từ một địa phương không có nhiều ưu thế trong phát triển kinh tế, song những năm gần đây Đồng Tháp tạo nên sự bứt phá với những con số "biết nói" nhờ chuyển đổi số. Năm 2020 tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài của Đồng Tháp đạt 2.009 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2015, tương ứng giá trị 442,4 tỷ đồng.
Có thể nói, trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh liên tiếp, những thành quả này trở thành dấu ấn của toàn ngành nông nghiệp trong bức tranh kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để nền kinh tế chung của cả nước giữ được mức tăng trưởng dương. Mức tăng trưởng đó cũng thể hiện rõ nét khả năng linh hoạt chuyển mình để thích nghi và ứng phó của ngành nông nghiệp.