Thời cơ ‘vàng’ cho startup trong lĩnh vực Fintech
(DNTO) - Dịch Covid-19 thúc đẩy doanh nghiệp, thị trường tìm kiếm giải pháp thanh toán mới để đảm bảo dòng chảy tài chính. Đây là động lực để startup và doanh nghiệp fintech (công nghệ tài chính) phát triển.
Các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đang ở trong thời kỳ ‘vàng’
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, Fintech nổi lên thành đại diện đi đầu trong cách mạng kỹ thuật số khi thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh tài chính thông thường.
Chỉ số chấp nhận Fintech năm 2017 của Ernst & Young cho thấy, 1/3 người tiêu dùng trên thế giới sử dụng ít nhất 2 dịch vụ Fintech trở lên. Fintech đang có vai trò lớn trong sự phát triển của nhóm ngành liên quan đến tài chính.
Đặc biệt, dịch Covid-19 thúc đẩy doanh nghiệp, thị trường tìm kiếm giải pháp thanh toán mới để đảm bảo dòng chảy tài chính. Đây là động lực để startup và doanh nghiệp muốn phát triển công nghệ Fintech.
Thực tế, lĩnh vực công nghệ tài chính trong những năm gần đây phát triển rất nhanh. Trên thế giới hiện có 682 startup kỳ lân được định giá hơn 2,212 tỷ USD, trong đó có 94 kì lân Fintech với định giá 377 tỷ USD. Cũng trong quý 1/2021, giá trị đầu tư vào công ty công nghệ tài chính tăng gấp đôi so với quý 4/2020 (theo báo cáo CB Insights).
Tại Việt Nam, năm 2017 chỉ có 44 startup trong lĩnh vực Fintech, nhưng đến năm 2020, đã có hơn 131 startup.
Cũng trong năm 2020, những thương vụ đình đám trong lĩnh vực này phải kể tới như VNPAY kêu gọi được 300 triệu USD từ SoftBank và GIC; Momo kêu gọi được 100 triệu USD vòng series C; Fvndit cũng gọi được 30 triệu USD, hay Utop cũng được FPT và SIB Holdings rót 3 triệu USD…
Đánh giá về tiềm năng của thị trường công nghệ tài chính Việt Nam, ông Ôn Như Bình, Giám đốc chiến lược kinh doanh tại VNPAY, kỳ lân công nghệ Việt Nam, cho biết, các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đang ở trong thời kỳ ‘vàng’, bởi Việt Nam hiện có số lượng dân số đông (94 triệu dân), tỷ lệ người dùng internet cao (hơn 70% dân số), trong khi số người có tài khoản ngân hàng thấp (chỉ chiếm hơn 31% dân số) và số lượng giao dịch bằng tiền mặt vẫn khá cao (hơn 90% lượng giao dịch). Vì vậy, giai đoạn 2021-2022 xu hướng thanh toán trong ngành công nghệ tài chính sẽ bùng nổ.
“Trước đây, mọi người sẽ chỉ biết đến một số hình thức thanh toán như thu tiền mặt, ví điện tử, thông qua thẻ…, nhưng trong thời gian tới sẽ có nhiều công cụ, công nghệ hơn để hỗ trợ việc thanh toán phi tiền mặt”, ông Bình nêu quan điểm.
Cũng có kỳ vọng tích cực đối với thị trường công nghệ tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Thế Vinh, Đồng sáng lập và điều hành tại Coin98 Finance (startup vừa nhận đầu tư 4 triệu USD cho giải pháp sàn giao dịch tài sản mã hoá phi tập trung), cho biết, hiện Việt Nam đang có cơ cấu dân số trẻ nên dễ dàng tiếp cận công nghệ mới tốt hơn, kể cả công nghệ tài chính, và khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng gia tăng, họ sẽ đầu tư sang các mảng tài chính, bảo hiểm...
Đặc biệt, sự đi trước của những “anh cả” trong ngành Fintech như Momo, VNPAY, Grab đã thành công trong việc thu hút người dùng và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, sẽ tiếp tục tạo đà phát triển cho các startup về sau.
Xu hướng 'tài chính nhúng' tại Việt Nam
Nói thêm về triển vọng của ngành Fintech tại Việt Nam, ông Ôn Như Bình phân tích rõ hơn về xu hướng “tài chính nhúng”.
Theo vị chuyên gia này, hầu hết các ngân hàng Việt Nam hiện đều trang bị công nghệ mở, dễ dàng cho phép và kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ khác để tạo nên hệ sinh thái đa dạng, tiện ích phục vụ khách hàng.
Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành khác nhau như liên quan đến gọi xe, gọi đồ ăn, thời trang…, họ đã có sẵn nền tảng và sẽ đưa thêm dịch vụ tài chính lên trên ứng dụng của họ, và các ứng dụng này sẽ trở thành kênh phân phối, bán hàng cho dịch vụ tài chính.
Thực tế cho thấy, trong cuộc đua chuyển đổi số ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước phê đặt mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động hóa.
Hiện các ngân hàng tại Việt Nam cũng đang mở rộng hợp tác với các công ty công nghệ tài chính. Điển hình là các thương vụ như Vietinbank hợp tác với Opportunity Network (Mỹ), CIMB Bank bắt tay với Toss (Hàn Quốc), VP Bank kết hợp với BE Group (Thụy Điển), hay OCB với Ripple Net (Mỹ) và TP Bank với Backbase (Hà Lan)…
“Trước đây mọi người thường nói sẽ có những cuộc chiến giữa ngân hàng và fintech, nhưng vừa qua sự hợp tác giữa hai bên cho thấy một hướng đi rất tốt. Với các doanh nghiệp fintech, thay vì phải xây dựng một nền tảng thì có thể thuê hoặc đặt dịch vụ của mình lên các nền tảng lớn. Đây là cách tiếp cận tiết kiệm cho startup và mang lại giá trị cho nhiều bên”, ông Bình chia sẻ.