'Trợ lực' cho sản xuất nông nghiệp vượt 'bão Covid-19'
(DNTO) - Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 ở một số địa phương trong nước, trên thế giới tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT vừa đề xuất kiến nghị với Chính phủ một số chính sách, giải pháp hỗ trợ để sản xuất nông sản vượt khó.
Sản xuất nông nghiệp "oằn mình" vì đại dịch
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và thế giới tác động mạnh đến ngành nông nghiệp, nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hiện hữu.
Tác động rõ nét nhất của dịch Covid-19 đến nông nghiệp là làm suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp. Ở trong nước do nhu cầu tiêu dùng giảm, nhiều loại nông sản thậm chí phải hủy bỏ, giá nhiều mặt hàng giảm mạnh do khó khăn trong lưu thông, phân phối, nên có tình trạng gia tăng khoảng cách giữa giá bán của nông dân và giá mua của người tiêu dùng.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phi nông nghiệp ở nông thôn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có liên quan tới đô thị và xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều hơn chủ yếu do suy giảm thị trường tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp tồn kho tăng, khách hàng nhận hàng và thanh toán chậm hoặc hủy hợp đồng, không có hợp đồng mới nên phải giảm hoạt động, cho công nhân giảm giờ làm, nghỉ việc.
Trong xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án khó triển khai vì nguồn nhân lực của các cấp, các ngành tập trung vào công tác phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, các dịch vụ cung ứng bị hạn chế, đóng góp của nông dân hạn chế hơn. Nhiều chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới sẽ khó đạt, như về tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm.
Điển hình như việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn khá khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp. Số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển, một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật...
Cần giải pháp hỗ trợ để nông nghiệp biến "nguy" thành "cơ"
Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, Bộ NN&PTNT nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản sẽ còn gặp khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Do đó, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh, Bộ NN&PTNT vừa đề xuất một số chính sách, giải pháp hỗ trợ để tổng hợp, kiến nghị với Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp, phối với với các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình về sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước, diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch, sản phẩm gia súc, gia cầm.
Đồng thời triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức phù hợp (trực tuyến), đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan Thương vụ, Ngoại giao, ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Bộ Công Thương có ý kiến để các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan, Thương vụ, Ngoại giao, Ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra cần đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online, giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua hàng trực tiếp.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp, giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.
Nghiên cứu chính sách để giảm chi phí vận chuyển lưu thông hàng hóa và chính sách trợ giá, hỗ trợ thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng, thua lỗ do địa phương phải thực hiện giãn cách, phong toả để kiếm soát dịch Covid-19.
Với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ NN&PTNT nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất.
Kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Ngoài ra có các chính sách tài khóa hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra: giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với nguyên liệu sản xuất, giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngành hàng phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và các hệ thống phân phối bán lẻ rộng như Cantra Group, AEON, Vincommercr, Lotte... thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước...