Tác động của Covid-19 đến người lao động và những giải pháp hỗ trợ
(DNTO) - Theo số liệu của Tổng cục thống kê, dịch Covid-19 đã đẩy 1,3 triệu người vào tình trạng không có việc làm trong năm 2020, đa phần người mất việc trong độ tuổi lao động.
Riêng trong quý 4/2020 có khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp, tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm trước.
Trước tình trạng này, các chuyên gia nhấn mạnh việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới sẽ là giải pháp quan trọng nhất bởi doanh nghiệp chính là nơi tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
Covid-19 “cướp” đi việc làm của hàng triệu người
Số liệu của Tổ chức lao động quốc tế cho thấy đại dịch Covid-19 gây tổn thất khoảng 81 triệu việc làm trên thế giới trong năm 2020, thất nghiệp tăng từ 4,1% (năm 2019) lên mức 5,2 - 5,7% (năm 2020).
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên có công việc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Con số này bao gồm người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù số lao động có việc làm quý 4/2020 đã cải thiện đáng kể so với 2 quý trước nhưng số lao động thất nghiệp vẫn ở mức gần 1,2 triệu người, tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng nói, biến động này hoàn toàn trái ngược xu hướng tăng việc làm hàng năm của giai đoạn 2010-2019, với số lao động có việc làm tăng trung bình khoảng 600.000 người. Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu nhập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê nhận định: “Mức giảm lao động có việc làm trong năm 2020 là điều chưa từng xảy ra trong suốt thập kỷ qua”. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, có 1,3 triệu người bị đẩy vào tình trạng không có việc làm trong năm 2020, bao gồm 51,6% người là phụ nữ và đa phần đang trong độ tuổi lao động.”
“Nếu không có dịch Covid-19 sẽ có thêm 1,6 triệu người được tạo việc làm, nói cách khác dịch bệnh tước đi cơ hội việc làm của 1,6 triệu người”, bà Thủy nhấn mạnh.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn
Trước những tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhiều chuyên gia nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đứng vững, cùng với đó là sự ổn định về mặt chính sách, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới là giải pháp hiệu quả nhất giúp đảm bảo việc làm cho người lao động.
TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam nhận định những doanh nghiệp khỏe mạnh trong điều kiện bình thường sẽ có thể tồn tại lâu nếu họ nhận được sự hỗ trợ phù hợp khi khủng hoảng do Covid-19 tăng đỉnh điểm.
Theo ông Chang-Hee Lee, có những doanh nghiệp không thể tồn tại được do năng suất và khả năng cạnh tranh thấp dù có xảy ra khủng hoảng do Covid-19 hay không. Nhưng cũng có những doanh nghiệp khỏe mạnh trong điều kiện bình thường và có thể tồn tại lâu nếu họ nhận được sự hỗ trợ khi khủng hoảng do Covid-19 tăng đỉnh điểm nhằm “nút” lại lỗ hổng về tiền mặt, nguyên liệu thô và sự sụt giảm đột ngột trong nhu cầu và đơn hàng. Do đó, ông Lee Chang - Hee cho rằng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần nhắm tới các doanh nghiệp có triển vọng tích cực do họ hoạt động năng suất và đổi mới sáng tạo nhưng phải đối mặt với khủng hoảng tạm thời.
Bên cạnh đó, ông Lee cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là hướng đi quan trọng và bền vững nhất để tạo việc làm cho người lao động. Trong số các giải pháp, việc ổn định môi trường chính sách (không tăng thuế, không ra các chính sách thuế mới) bên cạnh những gói hỗ trợ về tài chính, thuế, phí... là nền tảng để giúp doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó đảm bảo việc làm cho người lao động.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế PSG.TS Ngô Trí Long, thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). “Do đó, cần phải có những sắc thuế phù hợp với thực tiễn và ổn định để doanh nghiệp còn yên tâm làm ăn, phục hồi sau dịch Covid-19”, ông Long đề nghị.
Ở góc nhìn khác – hướng tới một hệ thống thuế công bằng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng ở Việt Nam, cải cách thuế cần xây dựng hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu. Nghiên cứu của VEPR cho thấy, nhóm thu nhập nghèo nhất đóng thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn các nhóm liền kề (ví dụ nhóm thu nhập trung bình thấp), chiếm khoảng 3,47% thu nhập.
Trên thực tế, Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp đạt 3.500 USD/người, đứng thứ 6/11 ở Đông Nam Á. Do đó, việc tăng thuế, dù là thuế gián thu tác động như nhau lên tất cả đối tượng, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người nghèo – vốn dễ bị tổn thương hơn cả trong đại dịch.
Theo nhiều dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, và chỉ có thể loại trừ hoàn toàn sau 4-5 năm nữa, kéo theo đó là những nguy cơ về thất nghiệp, thiếu hụt việc làm. Chính vì vậy, ổn định chính sách, không tăng thuế là những định hướng cơ bản và dài hạn cần được duy trì để giảm bớt gánh nặng và tạo niềm tin cho doanh nghiệp cũng như người lao động.