Lợi nhuận ngành dệt may tiếp đà phục hồi, lấy lại tăng trưởng
(DNTO) - 13/19 doanh nghiệp ngành dệt may niêm yết đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 1/2021.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT ước tính, tổng doanh thu trong quý 1/2021 của các công ty dệt may được niêm yết đã giảm 7,6% so với cùng kỳ do giảm giá bán. Tuy nhiên, VNDIRECT nhận thấy biên lợi nhuận gộp được cải thiện 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ, trong khi chi phí bán hàng giảm 12% so với cùng kỳ nhờ cải thiện danh mục sản phẩm (sợi tái chế, găng tay, ba lô), với biên lợi nhuận gộp cao hơn; hàng tồn kho giá thấp kể từ quý 4/2020, và cắt giảm chi phí quảng cáo. Do đó, tổng lợi nhuận ròng quý 1/2021 tăng 38,2% so với cùng kỳ.
STK (Công ty Cổ phần Sợi thế kỷ), và GIL (Công ty Cổ phần May Bình Thạnh) có kết quả thậm chí còn tốt hơn so với mức trước dịch, với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lần lượt là 37% và 121% so với quý 1/2019.
Trong quý 1/2021, lợi nhuận ròng của STK tăng 34,8% so với cùng kỳ nhờ doanh thu từ sợi tái chế tăng trưởng 58% so với cùng kỳ; giá bán trung bình (ASP) của sợi nguyên sinh tăng 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận ròng của GIL lần lượt tăng 19,5% so với cùng kỳ và 78,5% so với cùng kỳ nhờ hợp tác mới với các nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ như Amazon và IKEA.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam phục hồi theo nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của Mỹ và EU. Người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sau khi kết thúc lệnh phong tỏa. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong quý 1/2021 đạt mức 6,4%, mức tăng tốt nhất kể từ năm 1984. Trong khi tiêu dùng cá nhân tăng 10,7%, cao thứ hai kể từ năm 1960. Do đó, nhu cầu về mua sắm hàng hóa cá nhân trong quý 1/2021, như quần áo và giày dép tăng lên đáng kể. Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA) thống kê giá trị nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ đạt 24 tỷ USD (tăng 4,32% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của EU cho năm 2021 và 2022 do sự phục hồi đáng kể của các nền kinh tế. Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng GDP trong khu vực Eurozone lần lượt đạt 4,3% và 4,4% cho năm 2021 và 2022.
VNDIRECT kỳ vọng giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi theo triển vọng phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ và EU. VNDIRECT tin rằng giá trị xuất khẩu sẽ hoàn thành kế hoạch của Chính phủ Việt Nam, đạt 39 tỷ USD ở năm 2021.
Tình hình chính trị bất ổn ở Myanmar là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt
Những bất ổn chính trị ở Myanmar đang phủ bóng đen lên tương lai của ngành may mặc Myanmar. Theo Nikkei Asian Review, Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo thông báo hai nhà máy của họ đã bị phóng hỏa vào ngày 14/3. VNDIRECT cho rằng bất ổn sẽ khiến các nhà bán lẻ e ngại khi đặt hàng tại Myanmar và sẽ tìm các quốc gia thay thế trong giai đoạn tới (Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc...).
Theo VNDIRECT, khó khăn của ngành dệt may Myanmar sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, khi Myanmar hiện là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này.
VGG (Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến), TNG (Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG), TCM (Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công) và MSH (Công ty Cổ phần May Sông Hồng) có thể là những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu chính của VGG, chiếm 28% doanh thu xuất khẩu trong năm 2020 và khách hàng lớn nhất của VGG là Uniqlo, chiếm 80% doanh thu của VGG tại thị trường Nhật Bản. VNDIRECT kỳ vọng Uniqlo sẽ chuyển đơn hàng từ Myanmar sang Việt Nam, giúp VGG nâng tỷ trọng doanh thu từ thị trường Nhật Bản lên 35% trong năm 2021.
Bên cạnh đó, doanh thu từ thị trường Hàn Quốc chiếm khoảng 27% doanh thu của TCM trong năm 2019, trong khi TNG đã nhận một đơn đặt hàng từ Myanmar giá trị 11 triệu USD của Sportmaster. Ngoài ra, EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của MSH (chiếm 30% doanh số xuất khẩu trong năm 2020).
Cũng theo nhận định của VNDIRECT, các công ty sản xuất vải và sợi tận dụng lợi thế từ chiến tranh thương mại EU-Trung Quốc.
Mới đây, hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế lớn như Nike, H&M, Uniqlo, Zara... đã thông báo ngừng sử dụng bông từ Tân Cương (Trung Quốc) sau căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước EU.
VNDIRECT cho rằng TCM sẽ được hưởng lợi từ việc nhiều nhà sản xuất phương Tây từ chối mua bông từ Trung Quốc khi họ có xu hướng chuyển sang mua vải tại Việt Nam. Hiện tại, doanh thu từ mảng kinh doanh vải của TCM đang chiếm 15% tổng doanh thu năm 2020. Ngoài ra, TCM đã giành được các đơn đặt hàng từ Trung Quốc (Lacoste, Tommy).
VNDIRECT kỳ vọng doanh thu từ mảng kinh doanh vải của TCM sẽ chiếm 23% trong năm 2021. Trong khi đó, VNDIRECT cho rằng tình hình căng thẳng giữa EU - Trung Quốc có thể tác động tích cực đến STK trong dài hạn khi các thương hiệu thời trang lớn có xu hướng sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường.
Kỳ vọng các dự án FDI sắp tới sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu
Công ty TNHH Texhong (Hồng Kông) bắt đầu xây dựng nhà máy dệt kim tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, Quảng Ninh vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư 214 triệu USD. Dự án tập trung vào sản xuất vải dệt kim, vải móc và vải không dệt. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào ngày 21/11/2021 với công suất 150 triệu m2/năm. Giai đoạn 2 với công suất 225 triệu m2/năm sẽ được thực hiện vào giai đoạn 2022-2023. Ngoài ra, giai đoạn 4 của nhà máy sợi Brotex của Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 3/2021, nâng tổng công suất của nhà máy lên 80.000 tấn/năm.
Theo quan điểm của VNDIRECT, các dự án FDI sẽ giải quyết được phần nào rào cản kỹ thuật “từ vải trở đi” của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Theo Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may sẽ tăng từ 47% lên 68% trong giai đoạn 2021-2024.
Tuy nhiên, VNDIRECT vẫn nhận thấy có rủi ro đầu tư trong lĩnh vực này. Bởi ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc chính xuất khẩu. Mặc dù việc tiêm chủng đang diễn ra đúng tiến độ, nhưng số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, việc bán phá giá đối với sợi Trung Quốc có thể tiếp tục xảy ra vào năm 2021 do căng thẳng giữa EU và Trung Quốc.
“Nhu cầu các sản phẩm dệt may trên thế giới phục hồi chậm hơn so với nguồn cung, dẫn đến áp lực cạnh tranh với các đối thủ lớn trong khu vực như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ ngày càng tăng. Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận chuyển cao trong quý 1/2021 cũng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng FOB và ODM” - VNDIRECT phân tích.