Phát triển bền vững là lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may, da giày Việt Nam
(DNTO) - Ngành dệt may, da giày Việt Nam cần liên kết chặt chẽ để vượt qua khủng hoảng Covid-19. Bên cạnh đó, phát triển bền vững sẽ là lợi thế cạnh tranh, là phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp.
Liên kết chặt chẽ để vượt qua thách thức
Tại hội thảo "Ngành dệt may – da giày Việt Nam tổng kết 1 năm sau Covid-19 và phát triển bền vững", diễn ra hôm nay 11/12, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam chia sẻ, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa thể lường trước được đại dịch được kiểm soát thế nào trong tầm nhìn 20201-2022. Trong bối cảnh đó, để ngành dệt may, da giày vượt lên khẳng định vị thế và tầm của mình, ông Giang cho rằng giải pháp công nghệ là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, ngành dệt may và da giày phải dành chiến lược bền vững, đặc biệt là năng lượng tái tạo, giải quyết cơ bản công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, phải xây dựng giải pháp, mối quan hệ giữa các nhà sản xuất, nhãn hàng, các tổ chức quốc tế...
“Các nhãn hàng phải có trách nhiệm hơn nữa để tạo nền tảng phát triển bền vững cho người lao động. Ngoài ra, cộng dồng doanh nghiệp phải liên kết chuỗi chặt chẽ, chia sẻ về giải pháp công nghệ, quản trị, đặc biệt chia sẻ về đơn hàng”, ông Giang bày tỏ.
Năm 2020, ngành dệt may xuất khẩu hơn 35 tỉ USD, thị trường Mỹ chiếm 39%, Nhật Bản 12%, Hàn Quốc 12%, Trung Quốc 10%, EU giảm sâu còn 9,8%. Nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn có đơn hàng tốt hơn. Đặc biệt, hầu hết các daonh nghiệp đã có giải pháp và tự tìm đường để thay đổi, vượt qua khó khăn.
“Doanh nghiệp dệt may đã quay sang sản xuất khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang vải và khẩu trang y tế. Cộng đồng doanh nghiệp đã kết nối, chia sẻ với nhau về đơn hàng. Tôi tin năm 2020 sẽ vượt khó và có chiến lược cho các năm tiếp theo. Cuối năm 2023, chúng ta sẽ về trạng thái bình thường của 2019”, ông Giang nhận định.
Phát triển bền vững là lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may, da giày Việt Nam
Tại hội thảo, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, thông tin, dịch Covid-19 tác động mạnh tới doanh nghiệp dệt may và giày dép, có tới 94,2% doanh nghiệp da giày, 87,1% doanh nghiệp dệt may bị giảm đơn hàng, 84,5% doanh nghiệp da giày, 53,5% doanh nghiệp dệt may bị khách hoãn hủy đơn và 74,8 doanh nghiệp da giày, 22,9% doanh nghiệp dệt may không xuất khẩu được.
Theo bà Chi, dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng hướng từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản, bền vững. Khảo sát của Trung tâm cho thấy, xu hướng bán hàng online trong mùa dịch tăng mạnh mẽ. Nhưng việc bán hàng trực tuyến đã làm đơn hàng nhỏ lại và cá nhân hóa, đa dạng hóa nhà cung ứng.
Có một số giải pháp được bà Chi đưa ra. Theo đó, để cạnh tranh với các nước có thế mạnh về xuất khẩu dệt may, da giày trong khu vực và thế giới, Việt Nam phải có chiến lược phát triển bền vững, nhà cung ứng cần tuân thủ tiêu chuẩn lao động, môi trường, kỹ năng sản xuất…
“Chúng ta nên tận dụng lợi thế phát triển bền vững, tập trung vào những mặt hàng có giá trị cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải có xu hướng liên kết; cần có đầu mối liên kết ngành”, bà Chi nêu thêm giải pháp.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam bày tỏ: “Qua dịch, chúng ta buộc phải nhìn nhận lại chiến lược của mình. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và nguyên vật liệu bên ngoài, ngành sẽ gặp khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước phải tăng tính kết nối. Sắp tới, chúng tôi đề xuất Chính phủ thành lập chính sách hỗ trợ nguyên liệu phụ trợ cho doanh nghiệp da giày, dệt may. Chỉ khi có chuỗi cung ứng tốt hơn mới giúp doanh nghiệp chủ động gia tăng cho sản phẩm…”.