Còn nhiều 'rào cản' trói chân doanh nghiệp nông nghiệp
(DNTO) - Một điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NN&NT (Ipsard) cho thấy, có đến 40% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trả lời rằng, việc “loại bỏ hoặc hạn chế thủ tục quan liêu” trong đối xử với doanh nghiệp là chìa khoá quan trọng nhất để giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp khổ vì "rừng" thủ tục
Thời gian qua, nhiều bất cập về thủ tục hành chính đã được các doanh nghiệp nông nghiệp trong nhiều ngành hàng phản ánh với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Những bất hợp lý này nếu không được xem xét, sửa đổi thì sẽ là rào cản ngáng chân, tác động lớn tới chi phí kinh doanh, kéo giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Là doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Đức Hạnh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Đức Hạnh Matphavet cho rằng, thể chế chính sách quá cồng kềnh và chồng chéo đang ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến việc sản xuất của các doanh nghiệp.
Ông Hạnh dẫn chứng, với các doanh nghiệp sản xuất cà chua, sản phẩm của họ có nhiều vitamin nhưng rất nhanh hỏng. Tuy nhiên, nếu muốn được xuất khẩu phải qua rất nhiều thủ tục cấp phép, nếu làm không kịp, sản phẩm có thể bị hư hỏng. Hay như với những công ty sản xuất thức ăn, hàm lượng xơ ảnh hưởng rất ít đến chất lượng cũng như sức khỏe con người, thế nhưng lại có rất nhiều đơn vị vào thanh, kiểm tra.
"Chỉ tính sơ bộ trên đầu ngón tay cũng có tới 5 đơn vị có quyền thanh tra, kiểm tra sản phẩm và lần nào cũng yêu cầu giám đốc doanh nghiệp phải có mặt để giải quyết. Vậy còn đâu thời gian để mà tính toán làm ăn" – ông Hạnh bức xúc.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho hay, Luật Chăn nuôi có đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp trên thực tế. Ông Sơn dẫn chứng, theo quy định tại Nghị định 13, mật độ chăn nuôi trên 1ha đất nông nghiệp quy đổi ra 500kg khối lượng sống của vật nuôi - có thể hiểu là 1ha đất nông nghiệp chỉ nuôi được 1 con trâu, 1 con bò. Nếu áp dụng theo quy định này thì nhiều địa phương phải giảm mạnh tổng đàn gia súc hiện nay.
Cùng với đó, có một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp với thực tiễn. Điển hình là Thông tư 04 của Bộ NN&PTNT về thực hiện công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y… có thể nói là gây khó dễ, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh, quy định kiểm dịch thủy sản nhập khẩu chế biến thực phẩm là biện pháp quá mức cần thiết, không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây tốn kém cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.
Gần đây nhất, đại diện VASEP cũng phản ánh, Thông tư 10 của Bộ NN&PTNT cấm kháng sinh Enrofloxacin vì thị trường Nhật Bản, Mỹ cấm loại kháng sinh này, trong khi thị trường EU lại chấp nhận một lượng rất nhỏ. Đây là lý do dẫn đến một số hàng hóa có thể xuất khẩu vào châu Âu nhưng các siêu thị ở Việt Nam không chấp nhận do vướng quy định trên.
Làm rõ vấn đề, bà Nguyễn Thị Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam chia sẻ, đối với vật tư dành cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là đối với vaccine và thuốc thú y, phải được sản xuất trong điều kiện có nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, có phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn GMP và có kho bảo quản đạt tiêu chuẩn GMP.
Quy trình sản xuất, khảo nghiệm, kiểm nghiệm đều phải đăng ký theo quy định; sản phẩm được đóng gói rất cẩn thận trong quá trình bảo quản, lưu hành trên thị trường. Do đó, không nên để tất cả vật tư dùng trong thú y vào nhóm 2, giống như Bộ Y tế đã làm với các loại vật tư phục vụ y tế.
Bên cạnh đó, bà Hương kiến nghị Bộ NN&PTNT cần xem xét một cách thấu đáo đề nghị bãi bỏ việc công bố hợp quy thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, bởi theo thông lệ quốc tế, các sản phẩm đã đăng ký lưu hành trên thị trường rồi thì không cần công bố hợp quy.
Cùng vướng mắc về kiểm dịch như VASEP, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, sản phẩm sữa nhập khẩu hiện nay vẫn phải kiểm dịch. Trong khi đó, các sản phẩm sữa chế biến với các dây chuyền hiện đại thì hầu như không thể còn vi khuẩn gây bệnh.
"Hiện nay, trình tự kiểm dịch thú y rất phức tạp, hàng về đến cảng phải đưa về kho sau đó mới xin lịch để được thông quan. Doanh nghiệp vẫn phải qua 2 cổng: Hải quan, thú y. Tại sao các bộ, ngành không kết nối với nhau để tạo ra một cửa cho doanh nghiệp?" - ông Trung thắc mắc.
Phải có cuộc "cách mạng" đổi mới.
Như vậy, rõ ràng, nếu không có cuộc “cách mạng” và đổi mới thực sự về cơ chế, thể chế thông thoáng chính sách cho các doanh nghiệp, tất yếu dẫn đến việc doanh nghiệp quay lưng với lĩnh vực vốn được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh, tại cuộc họp với "Hiệp hội trong ngành nông nghiệp" mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, bộ sẽ lắng nghe để có hướng xử lý kịp thời trong thời gian tới, đồng thời thành lập tổ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
"Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các tổ công tác trực tiếp trao đổi, gặp gỡ để chia sẻ về những vấn đề bất cập. Nhờ đó, bộ thấy rằng có 7 Nghị định và 2 Thông tư cần phải sửa đổi. Ngoài ra, các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã gửi ý kiến để trao đổi về các vấn đề vướng mắc cần giải quyết. Bộ NN&PTNT đã tiếp thu và tổng hợp" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong lần rà soát lần này, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm gồm: Đánh giá đề xuất hoàn thiện thể chế về đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa và đất lâm nghiệp; thể chế đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm đầu tư cho xây dựng cơ bản, đầu tư cho sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chuyên đề trọng tâm thứ ba là rà soát đề xuất hoàn thiện các thể chế thúc đẩy các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
"Một số nội dung cần phải xử lý rất nhanh và khẩn trương trong tháng 7/2021. Ví dụ như việc thẩm tra, thẩm định, giám sát, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận..." - bà Nguyễn Thị Mai Hiên nhận định.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã đề xuất với Chính phủ về điều chỉnh một số điều khoản để có thể kiểm tra online hoặc bằng một số giải pháp khác để có thể kiểm tra và cấp các giấy phép sớm nhất.
Đồng thời, bộ sẽ xem xét giảm số lượng các mặt hàng cần phải kiểm dịch và kiểm tra, trong đó yêu cầu việc kiểm tra cũng phải nhanh hơn, thái độ phục vụ tốt hơn, ứng dụng công nghệ để doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ, lấy kết quả tại một điểm.
Cùng với đó, nhiều khi các vướng mắc lại nằm ở cách thức triển khai. Ví dụ như cán bộ công chức do kiêm nhiệm nhiều việc nên làm một thủ tục rất chậm, nhiều khi văn bản của doanh nghiệp sai, trả lại văn bản nhưng không nói rõ lý do cũng gây ức chế cho doanh nghiệp…
“Bộ NN&PTNT không chỉ muốn cải cách các văn bản mà muốn cải cách cả thái độ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước, đó là động lực để vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu đề ra” - Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.