Hỗ trợ thực chất và kịp thời để phá 'thế khó' cho xuất khẩu nông lâm thủy sản
(DNTO) - Sau một năm "thăng hoa" khi lập kỷ lục đạt 53,2 tỷ USD, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đột ngột lao dốc mạnh. Nhiều doanh nghiệp "sốc" bởi tình thế thay đổi quá nhanh, từ chỗ làm không hết việc, nay phải “ăn đong” từng đơn hàng. Mục tiêu cán đích xuất khẩu 54 tỷ USD đang là bài toán khó.
Báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa toàn cầu 2023 mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá cả hàng hoá toàn cầu sẽ giảm 21% so với năm 2022, mức giảm lớn nhất từ sau đại dịch. Theo WB, diễn biến này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng của gần 2/3 các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa.
Thách thức gọi tên "trụ đỡ" nền kinh tế khi giá nông sản sẽ giảm khoảng 7% trong năm 2023 và tiếp tục đà giảm trong năm 2024. Còn giá nguyên liệu như bông, gỗ, cao su giảm 6% trong năm nay do ngành công nghiệp thế giới bị ảnh hưởng và giá những mặt hàng này tăng lên trong 2024 khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng trở lại...
Những dự báo của WB đã phản ánh đúng khi nhiều mảng màu "xám xịt" ngày càng bủa vây bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm nay, khiến nhiều lo ngại dấy lên tham vọng cán đích 54 tỷ USD trong năm nay không mấy khả thi.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng ước đạt 15,66 tỉ đô la, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2022.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực bắt đầu lao dốc mạnh, như cao su giảm 20,1%; chè giảm 5,8%; hồ tiêu giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 30,4%; cá tra giảm 39,9%; tôm giảm 39,6%.... Cùng với đó, lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường lớn còn nhiều, khiến doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới.
Phân tích về nguyên nhân lao dốc của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay TS. Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, hiện nay Việt Nam - Mỹ là đối tác thương mại rất lớn chỉ sau Trung Quốc nên việc gì xảy ra bên Mỹ thì sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
“Những đơn hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong những tháng vừa qua giảm kỷ lục do các đại siêu thị và các nhà nhập khẩu của Mỹ bị ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Bên cạnh đó, kinh tế suy thoái, tỷ lệ người dân giảm thu nhập do khó khăn về việc làm khiến họ đã cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua hàng. Khi sản lượng xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu giảm thì việc thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động gia tăng thu nhập cũng sẽ giảm theo”, ông Thành nói.
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nhận định, do suy thoái và khủng hoảng kinh tế của thế giới, khiến các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ ở các khu vực Việt Nam xuất khẩu cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm mạnh đã dẫn đến hàng hoá của Việt Nam đã xuất khẩu còn tồn đọng nên không tiếp tục xuất khẩu trong các đơn hàng tiếp theo.
Từ thực tế này, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu phải điều chỉnh hợp lý, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng thị trường, tìm hướng đi riêng cho sản phẩm. Các doanh nghiệp cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, khai thác một số thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm.
"Thời gian tới, tiếp tục tận dụng tối đa các hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chủ lực sang thị trường lớn, như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Để khơi thông thị trường, Bộ đang chuẩn bị cho hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc quý 2 và quý 3/2023, tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Anh…", ông Hoan thông tin.
Đặc biệt, để "tạo lực" phục hồi cho doanh nghiệp, ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.
Trong đó yêu cầu: "Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân".
Đối với vấn đề tín dụng và lãi suất, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3 - 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I/2023. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ...