Các ngân hàng 'vào cuộc' cam kết rót hàng ngàn tỷ đồng cho các mặt hàng nông sản chủ lực
(DNTO) - Để không để xảy ra tình trạng tồn đọng nông sản do thiếu vốn, đại diện các ngân hàng đã cam kết rót hàng ngàn tỷ đồng chia lửa khó khăn với doanh nghiệp. Bài toán điều hòa vốn, phân bổ room tín dụng cho lĩnh vực này cần được tính toán hợp lý để những cam kết từ ngân hàng là "nói thật, làm thật, và thực hiện nghiêm túc".
Đánh giá tại Hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ngày 13/12, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, đến cuối tháng 11/2022, kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đạt các chỉ tiêu tích cực: Huy động vốn đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021. Dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng (TCTD) quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.
"Kết quả trên cho thấy, dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung", ông Tú nói.
Tuy nhiên theo phản ánh của các Hiệp hội, doanh nghiệp, sau hai quý “được mùa” đầu năm, hoạt động xuất khẩu nông thuỷ sản những tháng cuối năm gặp rất nhiều khó khăn, tồn kho lớn. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao trên toàn cầu, trong khi nhiều nền kinh tế lớn - vốn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - suy giảm tốc độ tăng trưởng, khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên toàn cầu sụt giảm mạnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp đề nghị ngành Ngân hàng ổn định tỷ giá và giảm lãi suất, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng…
"Doanh nghiệp chúng tôi không cần hỗ trợ 0% lãi suất, nếu được thì tốt, nhưng cái doanh nghiệp cần là làm sao đủ nguồn lực tài chính, có lãi suất phù hợp, tiếp cận dễ dàng. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước dành một phần room tín dụng hỗ trợ các công ty thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long", ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật chuyên kinh doanh lúa gạo ở Cần Thơ, trần tình.
Nêu khó khăn cụ thể, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, chia sẻ áp lực lớn nhất đối với doanh nghiệp của ông là làm sao có đủ 200 tỷ đồng trả lương cho cán bộ nhân viên và mua được hết tôm nguyên liệu cho bà con nông dân trong vùng.
Ông Quang cho biết cuối tháng 11/2022, ngân hàng đã có giải ngân nhưng doanh nghiệp của ông không dám vay vì lãi suất quá cao mà giá bán tôm lại không tăng được. Trong khi theo tính toán với lượng tồn kho hàng ở các nước Mỹ, Nhật, châu Âu, Úc, Hàn Quốc… có thể bán 6 tháng mới hết và lúc này họ mới nhập hàng.
Vì vậy nếu doanh nghiệp tiếp tục mua nguyên liệu chỉ để trong kho thì lãi ngân hàng có chịu nổi không, đó là bài toán doanh nghiệp phải tính.
"Vấn đề giảm lãi suất nếu có thì rất tốt, nhưng trước tiên phải khai thông nguồn vốn. Có vốn thì doanh nghiệp mới xoay xở có tiền trả lãi ngân hàng. Người nông dân trông chờ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì cạn kiệt nguồn lực, muốn mua tạm trữ cũng không được. Đề nghị thống đốc NHNN thấu hiểu cho doanh nghiệp", đại diện các Hiệp hội chia sẻ.
Trước những trăn trở mong được "thấu hiểu" trên, ngày 5/12 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tài chính tín dụng, theo đó, yêu cầu các tổ chức tài chính tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Chia sẻ với những khó khăn này, VietinBank cam kết từ nay đến Tết nguyên đán dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.
Về phần mình, Agribank cũng cam kết sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó dự kiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được giảm khoảng 300 tỷ đồng...
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Agribank, chia sẻ rằng tăng trưởng tín dụng mà Agribank ưu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2022 là 11,6%, tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của toàn hệ thống. Và tới đây sẽ tiếp tục ưu tiên tín dụng cho nông sản, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng…
"Đến nay, Agribank đã đầu tư tín dụng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Đáng chú ý, mặc dù thị phần tín dụng của Agribank tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 22,6% nhưng thị phần tín dụng đối với lĩnh vực Nông nghiệp Nông thôn chiếm tới 40%", ông Ấn cho hay.
Đại diện các ngân hàng cũng cho biết sẽ triển khai các giải pháp để rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho khách hàng trong quá trình tiếp cận vốn vay ngân hàng.