Ảnh hưởng của tỷ giá lên chứng khoán: 'Không đáng quan ngại'

(DNTO) - Theo chuyên gia VinaCapital đánh giá, dù áp lực lên tỷ giá không hề nhỏ tuy nhiên sự biến động của tỷ giá nếu có cũng không đáng quan ngại bởi đang có nhiều yếu tố tích cực ủng hộ cho thị trường chứng khoán.
Tỷ giá liên tục lập kỷ lục mới trong những ngày qua. Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã niêm yết tỷ giá trung tâm tại 25.131 đồng, tăng 12 đồng so với trước đó, ghi nhận một mức đỉnh kỷ lục mới trong lịch sử. Trong khi đó, chỉ số DXY liên tục đi xuống và đã về mức đáy 3 năm trong cuối tháng 6 qua. Tuần qua, DXY bắt đầu ghi nhận dấu hiệu tăng nhẹ, dù vậy chưa có nhiều nổi bật, ngày 12/7, DXY ghi nhận 97.85 điểm, tăng 0,2% so với trước đó.
Tỷ giá trong nước đi ngược với diễn biến DXY, liên tục đạt đỉnh, điều này đã đặt ra câu hỏi về việc liệu có hay không sự tác động của yếu tố tỷ giá lên thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế và chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump được cho sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trong nước?

Ảnh minh họa
Theo bà Vũ Ngọc Linh, Giám đốc bộ phận Phân tích và Nghiên cứu thị trường, đến từ VinaCapital, Việt Nam có mức dự trữ ngoại hối tương đối mỏng, theo đó những biến động không mong muốn về tỷ giá có thể đặt ra thách thức với nhà điều hành. Dù vậy theo bà, yếu tố này không quá quan ngại trong ngắn hạn và Việt Nam đang có nhiều yếu tố tích cực khác đang chờ.
Cụ thể, trong trường hợp đồng Việt Nam liên tục mất giá, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán có thể xảy ra nhưng phần lớn chỉ xuất phát từ mặt tâm lý. "Nhà đầu tư ngoại sẽ lo ngại hơn khi thị trường chúng ta có tỷ trọng lớn nhà đầu tư đến từ khối nội. Tuy nhiên, nếu xét về nhà đầu tư trong nước, dù không đáng lo ngại nhưng nói về tác động tâm lý thì có lẽ có", đại diện VinaCapital nhấn mạnh.
Tính chung cả năm nay, theo ước tính của tổ chức này, tiền đồng sẽ mất giá khoảng 3%, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, VND đã mất khoảng 2,5%, điều này có nghĩa phần còn lại sẽ không còn nhiều. Cũng không loại trừ trường hợp VND sẽ có giai đoạn rơi vào mất giá nhiều hơn con số trên nhưng cũng sẽ sớm hồi phục lại vào tầm cuối năm và đâu đó mức biến động không nhiều.
Hiện tại chỉ số DXY đang mất khoảng 10% so với đầu năm đang giúp giảm áp lực lên tỷ giá. Theo đó, trong ngắn hạn 6 tháng còn lại của năm nay, bà Linh kỳ vọng, tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng nhiều. "Cho nên thị trường chứng khoán có thể bị ảnh hưởng nhưng chúng tôi chưa quá quan ngại về cái vấn đề này", đại diện VinaCapital nhận định.
Chứng khoán Việt Nam hiện đang nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ đến từ nội tại như các chính sách giúp tháo gỡ nút thắt của doanh nghiệp với nhiều luật quan trọng đã được ban hành hoặc sửa đổi, như Luật Đất đai, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công… Ngoài ra, các nghị quyết 66, 59, 68, 57, trong đó Nghị quyết 68 là quan trọng nhất, sẽ tạo nhiều động lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp tư nhân và thị trường chứng khoán. Dòng tiền ngoại được kỳ vọng sẽ đổ vào Việt Nam trong thời gian tới khi câu chuyện nâng hạng thị trường rõ ràng hơn.
Theo chuyên gia, một rủi ro cần tính đến với thị trường là các mức thuế của Mỹ mới chỉ đạt được thỏa thuận sơ bộ. Nếu mức thuế này chênh lệch lớn với các nước có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam và điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ quý 2 năm nay, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, tiền đồng mất giá đến từ hai nguyên nhân, trước hết do mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế và do khối ngoại bán ròng hơn 40 ngàn tỷ đồng kể từ đầu năm trên thị trường chứng khoán. Nửa cuối năm nay, tỷ giá còn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ và việc trì hoãn lãi suất của FED.
Với một nước có nền kinh tế mở như Việt Nam, tỷ giá trong nước chịu nhiều tác động bởi cả yếu tố trong và ngoài nước. Công ty Chứng khoán ACBS, trong một báo cáo mới ra mắt, cho biết, chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2025 được đánh giá có nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái ổn định, với lãi suất điều hành được giữ ở mức 4,5%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ buộc phải điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá ổn định và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng
"Trong kịch bản Chính phủ gia tăng sức ép chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, NHNN có thể cân nhắc nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ - bao gồm khả năng cắt giảm lãi suất và chấp nhận biên độ mất giá nhất định của VND - nhằm tạo thêm dư địa hỗ trợ xuất khẩu và sản xuất trong nước", ACBS dự báo.