Chuyên gia lý giải về sự sóng gió của đồng đô la

(DNTO) - Hạn chế thâm hụt thương mại với các nước, giảm chi phí đáo hạn trái phiếu được cho là một trong những nguyên nhân khiến đồng đô la Mỹ khó mạnh lên, theo chuyên gia.
Nhiều mục đích của chính quyền ông Trump
Nước Mỹ đang đứng trước thực tế, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh trong khi đồng đô la lại suy yếu so với nhiều đồng tiền khác.
Cụ thể, chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với 6 loại tiền tệ chính trên thế giới đã liên tục giảm mạnh thời gian qua. Những kỳ vọng về việc Tổng thống Trump lên cầm quyền đã khiến chỉ số này lập đỉnh 109,6 điểm vào cuối tháng 1, mức cao nhất trong vòng hai năm. Tuy nhiên, ngay sau đó, chỉ số giảm mạnh. Tuần qua, chỉ số này đã lùi về dưới ngưỡng 100 điểm, tương đương thời điểm tháng 4/2022.

Ảnh minh họa
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ leo thang ở các kỳ hạn, tăng vọt gần chạm 5%, mức tăng lớn chưa từng có trong gần 25 năm qua. Dù vậy, điều này vẫn không còn hấp dẫn khi trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán mạnh trong tuần qua trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng thương mại.
DXY giảm nhiều, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, điều này có thể hình dung về câu chuyện nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ tài sản Mỹ trong khi kinh tế đang khó khăn hơn, đồng thời cho thấy một sự đảo ngược rõ nét giai đoạn trước và sau khi ông Trump lên cầm quyền với các lớp tài sản này.
Bày tỏ quan điểm riêng của mình, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), trong chương trình Việt Nam và các chỉ số, ngày 14/4, cho biết, diễn biến trên thể hiện mục đích rõ ràng của Chính quyền Trump.
Cụ thể, Mỹ đang chịu các vấn đề như thâm hụt thương mại, nợ công ở mức cao và đặc biệt năm nay, thị trường trái phiếu Mỹ đối mặt với gánh nặng nợ đáo hạn lớn, ước tính khoảng 3.000 tỷ USD.
"Trong năm 2025, Mỹ cần phải đáo hạn đâu đó khoảng 9.000 tỷ trái phiếu, nếu trong trường hợp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao ở mức khoảng 4.5 hoặc hơn, điều đó có thể làm chi phí đáo hạn của Mỹ ở mức lớn và điều này có lẽ người lãnh đạo đất nước như ông Donald Trump không hề muốn", ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, có quan điểm cho rằng, các chính sách của ông Donald Trump hướng đến các mục đích: thứ nhất, gây sức ép khiến thị trường chứng khoán giảm, từ đó giảm lợi suất trái phiếu để có thể đáo hạn được 9.000 tỷ trái phiếu với mức lãi suất hấp dẫn hơn. Ngoài ra khi thị trường chứng khoán giảm thì đây là yếu tố để ông Trump gây sức ép khiến Chủ tịch Fed Jerome Powell nhanh chóng hành động, can thiệp hạ mức lãi suất điều hành xuống.
Thậm chí trong các dòng Twist gần đây nhất, ông Trump còn gợi ý về việc cách chức ông Powell với mục đích đảm bảo mức lãi suất mà ông kỳ vọng, sẽ là thấp hơn trong thời gian tới.
Ở câu chuyện khác, khi đồng đô la suy giảm sẽ góp phần làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và các nước, điều ông Trump muốn hướng tới.
"Khi đồng đô la được định giá cao khiến thâm hụt thương mại của Mỹ và các quốc gia ngày càng sâu sắc. Còn khi đồng đô la yếu hơn, hàng hóa Mỹ có thể trở nên cạnh tranh hơn, làm cho các mức thâm hụt có thể giảm đi tương đối và đây là yếu tố mà chính quyền ông Trump đang thực hiện", chuyên gia VPS chia sẻ.
Không bi quan
Quay trở lại với Việt Nam, theo ông, Việt Nam với khả năng chuyển hướng thích ứng cao sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, tuy nhiên khả năng chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn, trong dài hạn sẽ khác. Ngoài ra, các tuyên bố thuế đều do ông Donal Donald Trump tự xây dựng lên và có thể sẽ thay đổi bất kỳ lúc nào.
Chứng khoán VPS bày tỏ sự kỳ vọng, không quá bi quan trong kịch bản thận trọng tăng trưởng doanh nghiệp 15-20%, dự báo Vn-index chạm 1.400 điểm nhờ các yếu tố như tái câu trúc nền kinh tế, chuyển hướng thương mại sang nhiều thị trường khác, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và chi tiêu tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, trong bối cảnh DXY giảm giá và kỳ vọng Fed có tối thiếu 2 lần cắt giảm lãi suất đã trở thành tín hiệu tốt cho tỷ giá trong nước, giảm áp lực và mở ra nhiều dư địa trong điều hành chính sách tiền tệ.