Chuyên gia: 'Nên xem xét việc luật hóa về sự phân chia lợi nhuận nhóm hàng nông sản, thực phẩm'
(DNTO) - "Nên xem xét việc luật hóa về sự phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất - phân phối, nhất là nhóm hàng nông sản, thực phẩm “made in Việt Nam", để các doanh nghiệp có thêm động lực đưa ra thị trường nội địa các thương phẩm giá trị cao phục vụ người dân", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Bất chấp thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt, sau 13 năm thực hiện “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngày càng nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” chất lượng cao tạo được vị thế quan trọng với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước nhà.
Sau thời gian chứng minh bằng chất lượng, hiện nay nhiều sản phẩm Việt đã tạo dựng được uy tín thương hiệu vững chắc như sữa Vinamilk, bánh Như Lan, trứng Ba Huân, gạo ST25, quần áo Việt Tiến, giày dép Biti’s, nệm Vạn Thành, vàng bạc PNJ, dược Hậu Giang, bút bi Thiên Long, nhựa Duy Tân, gốm sứ Minh Long...
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cuộc vận động, hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm khoảng 60% - 96%. Tại kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60%.
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, chuyên gia Vũ Vĩnh Phú, Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng: Hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng và chất lượng không kém hàng ngoại. Nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” đã được công chúng biết tới, gắn kết người tiêu dùng với người sản xuất. Đồng thời, cuộc vận động đã có tiến bộ, khi có chủ chương đưa hàng Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận tới người tiêu dùng trẻ đang rất có tiềm năng.
Dù vậy, theo ông Phú, việc triển khai cuộc vận động vẫn có một số bất cập cần phải rút kinh nghiệm và phải thay đổi. Cụ thể như hàng Việt Nam đang bị lẫn với hàng Trung Quốc, hàng nước ngoài ở các kênh phân phối nhỏ, như tại các chợ, các cửa hàng tiện lợi nhỏ lẻ; việc tổ chức thực hiện chưa tốt, việc đưa hàng Việt tới các điểm tiêu thụ tập trung còn đang khó khăn; các cơ sở sản xuất hàng Việt, nhất là nhóm hàng nông sản đang bị thua thiệt về lợi nhuận. Người nông dân bị thiệt thòi.
“Thực tế, lợi nhuận của các công ty sản xuất nông nghiệp hàng Việt Nam chỉ đạt 17%, trong khi phải chiết khấu đưa hàng vào các siêu thị dao động trong khoảng 25% - 30%. Đó là chưa kể, các công ty sản xuất còn gánh thêm các chi phí khác, như bị chiếm dụng vốn 25 - 30 ngày, thậm chí trong 2 - 3 tháng. Như vậy, bản thân người sản xuất không có lợi nhuận, thì làm sao có hàng Việt để phục vụ người dân Việt Nam", ông Phú chỉ rõ.
Đưa ra giải pháp, ông Phú đề nghị cơ quan quản lý nhà nước phải làm trọng tài về vấn đề lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất - phân phối. Khi cơ quan Nhà nước vào cuộc và trả lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp này sẽ có thêm động lực để đưa ra thị trường các sản phẩm tốt hơn nữa, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước.
"Nhà nước nên xem xét việc luật hóa về sự phân chia lợi nhuận này, nhất là nhóm hàng nông sản, thực phẩm “made in Việt Nam”, ông Phú đề xuất.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh công bằng, minh bạch. Theo đó, Chính phủ có thể học hỏi, tham khảo mô hình kinh doanh ở Thái Lan và Hàn Quốc.
Cụ thể, tại Thái Lan, nước này có quy định rất rõ trong chuỗi giá trị mía đường. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của một cân mía đường được bán ra, người nông dân sẽ được hưởng 70%, các khâu trung gian sẽ được 30%.
Tương tự với Hàn Quốc, quốc gia này đã xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại rất tốt. Họ có các sàn giao dịch nông sản, giá cả hàng hóa được công khai, minh bạch, không có hiện tượng ép giá, ép chiết khấu.
Đồng thời, hiện nay, xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi đưa hàng hóa nước ngoài, nhập lậu, trốn thuế vào Việt Nam, trong đó, một trong những mặt hàng có số lượng nhập lậu nhiều nhất là đường thành phẩm, đang tràn lan thị trường. Nhờ vào giá thành rẻ, các loại đường thành phẩm đang lấn át thị phần hàng Việt Nam.
"Do đó, để hàng Việt phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Chính phủ phải đẩy mạnh hơn nữa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại để các doanh nghiệp sản xuất sống được với nghề", ông Phú nhấn mạnh.