Nhiều 'nút thắt' cần tháo gỡ để khơi thông dòng chảy hàng Việt vào EU
(DNTO) - Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với EU để tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, không tạo ra các rào cản thương mại nhằm thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản, vì lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng 2 bên.
Nhiều khúc mắc cần làm rõ để mở cửa thị trường nông sản
Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành hàng nông sản Việt Nam. Kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản 2 chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020, 5,2 tỷ USD năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2022.
Chia sẻ về lợi thế sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tại Diễn đàn Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU, vừa diễn ra tại Hà Nội, nhằm tăng cường hợp tác thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai bên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản; thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD, dự báo đạt trên 55 tỷ USD vào năm 2022.
Với tỷ trọng như vậy cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hơn nữa các lợi thế từ mặt hàng nông sản nhiệt đới và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng, châu Âu nói chung.
“Bộ NN&PTNT Việt Nam sẵn sàng hợp tác với EU để tạo thuận lợi cho thương mại, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ quốc tế, hạn chế rào cản thương mại mới để thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản, tăng cường lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Đồng thời, ông mong muốn thu hút các dự án FDI từ EU tập trung phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là công nghệ lõi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cụm liên kết ngành các vùng chuyên canh lớn, chế biến nông lâm thủy sản, nâng cao giá trị nông sản, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại logistics…
"Các nhà đầu tư EU nên quan tâm đến khu vực kinh tế phát triển năng động nhất gồm 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam là: Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Đây là 4 địa phương có chính quyền năng động, có môi trường rất lý tưởng để đầu tư các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới chất lượng cao để chuyển về châu Âu cũng như xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực và thế giới", ông Tiến cho hay.
Về phía EU, ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy Nông nghiệp EU cho hay, hiện các nước thành viên EU vẫn đang có 65 đơn đăng ký mở cửa thị trường chờ phía Việt Nam xem xét, trong đó chủ yếu là các sản phẩm từ thịt và thực vật gồm trái cây và rau quả.
Đồng thời ông lưu ý, có nhiều đơn đăng ký đã được gửi cho phía Việt Nam từ giai đoạn 2014 - 2015; từ 2018 đến nay Việt Nam chưa cấp giấy phép mở cửa thị trường nào cho các sản phẩm rau củ của phía EU. Trong khi ở chiều ngược lại, tất cả các đơn đăng ký của Việt Nam đều đã được các nước EU phê duyệt; hiện không còn đơn đăng ký nào về việc yêu cầu phía EU mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam.
“Chính vì vậy, phía Việt Nam xem xét đẩy nhanh tiến trình đánh giá và phê duyệt đơn đăng ký mở cửa thị trường, đưa ra một khung thời gian hoặc mốc thời gian rõ ràng, cụ thể, minh bạch cho tiến trình vốn đã trải qua rất nhiều thời gian này”, ông Janusz Wojciechowski đề nghị.
Đặc biệt, đề cập đến các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), ông Janusz Wojciechowski đánh giá hiện nay vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa một số quốc gia, gây quan ngại cho các thành viên EU.
"Ví dụ, một số điều kiện nhập khẩu đối với mặt hàng nông sản của Ý so với Pháp hay Séc đã có sự khác biệt. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn hai phía sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán để có thể hài hòa những chứng nhận của EU. Điều này sẽ có lợi trong việc công nhận thực thể thống nhất này”, ông Janusz Wojciechowski kiến nghị.
Lý giải vấn đề này, TS. Đào Văn Cường, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử giữa các quốc gia thành viên EU.
“Việt Nam đồng ý với quan điểm công nhận EU là một thực thể thống nhất, tuy nhiên thực tế cho thấy, vị trí địa lý khác nhau cùng những đặc thù về môi trường và thời tiết sẽ dẫn đến sự tồn tại của các dịch hại khác nhau. Vì thế, cơ quan chuyên môn của Việt Nam cần đánh giá rủi ro của nông sản của thành viên EU. Ví dụ, táo của Pháp không có bệnh A, nhưng táo của Séc tiềm ẩn nguy cơ bệnh A, nên việc đánh giá táo của Séc là cần thiết", ông Cường nêu rõ.
Đề cập vấn đề EU tạm thời tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam, ông Cường cho biết với mặt hàng thanh long, trong năm 2021, Việt Nam đã thực hiện tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) nên không có lô hàng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
"Nếu cần, phía EU sẽ cân nhắc phối hợp với phía Việt Nam tổ chức diễn đàn về hợp tác kỹ thuật, chia sẻ thông tin mở cửa thị trường về cả hai phía", ông Cường nhìn nhận.
Doanh nghiệp Việt phải làm gì?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
"Cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định EVFTA để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu", ông Tiến nhận định.
Đồng thời, tập trung các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch giá trị cao vào thị trường EU. Bên cạnh đó, tái cơ cấu một số ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm trái cây ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu theo hướng gắn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo giá trị lao động gắn liền với sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, người nông dân và các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy phát triển thương hiệu, tìm cách vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước tiên, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP...
"Để làm được điều này, các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu sang EU cần kết nối với kênh phân phối lớn và hiện đại ở khu vực này, thông qua các nhà buôn lớn, nhà nhập khẩu lớn trong khu vực để duy trì kim ngạch xuất khẩu nông sản", ông Tiến nhấn mạnh.