Thấy gì từ việc nhiều nhóm hàng nông sản xuất khẩu liên tiếp mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam?
(DNTO) - Trong câu chuyện xoay quanh dấu ấn thành công của xuất khẩu nông sản Việt những năm qua, các chuyên gia nhìn nhận, đã đến lúc vai trò của ngành nông nghiệp trong tương lai cần được "định vị" lại là động lực cốt lõi của nền kinh tế, trở thành lợi thế và sức mạnh của đất nước.
Chỉ tính riêng trong 4 đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản ước đạt trên 10 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điểm sáng đáng chú ý trong nhóm hàng này là xuất khẩu thủy sản tiếp tục đạt trên 1 tỉ USD trong tháng 4, tăng gần 40% so với tháng 4/2021. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp mặt hàng này xuất khẩu vượt mức 1 tỉ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt gần 3,6 tỉ USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, đã có 5 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ). Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ..., đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại, kiềm chế nhập siêu của cả nước
Có được dấu ấn tăng trưởng trên, các chuyên gia cho rằng đó là do các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội thị trường và thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%.… Đây là cơ hội tạo đà cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu mặt hàng này.
Cần chính sách "phá rào", tạo động lực mới
Sự tăng trưởng của nông nghiệp thời gian qua là không thể phủ nhận. Nhưng, theo các chuyên gia: "Không thể chỉ đánh giá tăng trưởng nông nghiệp qua quy mô sản xuất, kim ngạch xuất khẩu mà phải hướng đến lợi nhuận của người nông dân qua từng mùa vụ".
Ðiều này, hiện chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Đơn cử, nước ta xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới trong nhiều năm nay, nhưng người dân trồng lúa lại không giàu thứ hai thế giới. Ngược lại, họ là nhóm đối tượng có thu nhập thấp nhất xã hội...
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT, cho rằng đã đến lúc vai trò của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai cần được "định vị" lại.
Để xuất khẩu nông sản Việt Nam trở thành “cánh đồng của thế giới”, “nhà bếp của thế giới” thì nông nghiệp không thể là ngành phải "hi sinh", làm "bệ đỡ" như những năm qua, mà phải là động lực, cốt lõi của nền kinh tế, đóng vai trò thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ, trở thành lợi thế và sức mạnh của đất nước.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp khó khăn, nhiều nhà máy công nghiệp, dịch vụ thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công, thì nông nghiệp lại trở thành điểm trở về cho những lao động thất nghiệp, giảm sức ép về công ăn việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Sơn khẳng định, nếu xác định lợi thế của Việt Nam là nông nghiệp thì chúng ta phải kiên quyết hành động cho tương lai, trong cuộc chơi của cơ chế thị trường, mọi địa phương hay quốc gia phải đứng trên lợi thế của mình để phát triển. Nói cách khác, phải thay đổi tư duy, phải vượt qua định kiến kinh tế tương lai thuộc về công nghiệp, mà những ngành khác phải phục vụ nó, phát huy vai trò của nó và lấy nó để phát triển mình.
Ông Sơn cho hay, hiện Bộ NN&PTNT đang gấp rút xây dựng "Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030" trình Chính phủ. Theo ông Sơn, chiến lược lần này cũng phải mang tinh thần như Khoán 10, như Chỉ thị 100 mà chúng ta đã từng làm thành công.
"Sức đột phá không đến từ khoản "bơm tiền" của Nhà nước, mà đến từ tín hiệu "đèn xanh" cho người dân vào những lãnh địa từng cấm cản, bỏ phá những hàng rào từng ngăn chặn, đốt lên ngọn lửa trước đây bị dội nước vào... Nói cách khác là cần có chính sách để "phá rào", thay đổi thể chế, tạo động lực để mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp phát huy hết sức mạnh", ông Sơn nhấn mạnh.