'Lực kéo' từ những mặt hàng chủ lực giúp trụ cột nền kinh tế lập kỳ tích chưa từng có
(DNTO) - Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ những đợt "nhồi sóng Covid-19", song nhờ những linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó, khi kim ngạch đạt tới 48,6 tỷ USD, vượt xa so với chỉ tiêu đã đề ra.
Những “điểm sáng” tăng trưởng đáng khích lệ
Năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp. Các đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm; thiếu hụt lao động trầm trọng khi các tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Bên cạnh đó, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản còn chịu ảnh hưởng khi giá dịch vụ vận chuyển tăng cao kỷ lục, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tổn thương đến thương mại nông lâm thuỷ sản quốc tế.
Song, ngành nông nghiệp tận dụng được lợi thế từ các FTAs để thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thêm nhiều thị trường mới. Cùng với đó, phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau dịch bệnh Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt...
Theo đó, tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2021 - Triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022, ngày 29/12, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ những thành tích mà ngành nông nghiệp đã đạt được, bất chấp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của ngành nông nghiệp đã mở rộng ra nhiều thị trường hơn, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỉ USD.
"Đặc biệt, năm 2021, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, caosu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đặc biệt, giữ vị trí "quán quân", dự báo đến hết tháng 12/2021, tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và các loại lâm sản ước đạt tới 15,87 tỉ USD - là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhóm nông, lâm, thủy sản, vượt 20% kế hoạch đề ra và tăng 20% so với năm 2020. Mức xuất siêu là 12,94 tỉ USD (tăng 21,2% so với năm 2020), tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Xếp ở vị trí "á quân", xuất khẩu thủy sản cũng đã vượt qua 3 tháng "đóng băng" do Covid-19, đã "lội ngược dòng" bứt phá ngoạn mục đưa về giá trị kim ngạch 8,9 tỉ USD.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực trồng trọt, "kỷ lục" mới về giá gạo được thiết lập khi sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021. Ngoài ra, diện tích rau, màu khoảng 1,12 triệu ha; sản lượng đạt 18,6 triệu tấn, tăng 325.500 tấn so với năm 2020.
Mở thêm thị trường mới, quyết "chốt" 49 tỷ USD trong năm 2022
Trên cơ sở những kết quả ấn tượng của năm 2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2022, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 49 tỷ USD.
Để hiện thực hoá mục tiêu, Thứ trưởng Tiến cho hay, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất, lưu thông, phân phối, đồng thời, chỉ đạo các địa phương, trang trại, hợp tác xã, bà con nông dân xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu.
"Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thêm thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực và tại các thị trường trọng điểm", Thứ trưởng Tiến nhận định.
Bên cạnh đó, tiếp tục tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực. Đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao.
Duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU; chú ý thị trường Nga; mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Trung Đông, Argentina.
Kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường...