Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thành lập trung tâm giao dịch nông sản sẽ 'hoá giải' nỗi lo ùn tắc ở cửa khẩu
(DNTO) - "Tôi đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh, và cơ bản thống nhất chủ trương gấp rút xây dựng Trung tâm Giao dịch nông, lâm, thủy sản tại phường Hải Yên, TP. Móng Cái. Nếu không giải quyết gấp vấn đề, người dân sẽ rơi vào tâm lý càng sản xuất càng rủi ro", Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.
Thời gian qua, do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19, giảm hạn mức thông quan đối với mặt hàng nông sản, cộng với lượng hàng hóa ở các cửa khẩu đường bộ khác trong cả nước đổ dồn về thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) trong cùng một thời điểm, dẫn đến việc nhiều xe container hàng hóa bị ùn ứ cục bộ, lượng hàng hóa thông quan giảm đến 50% hạn mức so với trước đây.
Cụ thể, ngày 26/12, Quảng Ninh còn 1.555 xe "nằm" tại cửa khẩu, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là nông sản, chiếm đến 80% các mặt hàng có đặc tính dễ hư hỏng...
Tại buổi UBND Tỉnh Quảng Ninh, ngày 28/12, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu thực trạng, bà con nông dân hiện đang phải chấp nhận bán rẻ bán tháo nông sản tại ruộng cho thương lái Trung Quốc, vì tâm lý e ngại đưa hàng lên cửa khẩu để giao dịch trực tiếp với thương lái Trung Quốc.
Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, biện pháp tháo gỡ căn cơ phải xuất phát từ việc đầu tư bài bản cơ sở hạ tầng, giao thông và logistics.
"Cần thiết phải xây dựng một trung tâm giao dịch nông sản tại địa phương có cửa khẩu xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khi ùn ứ nông sản đang diễn ra liên tục. Đây không phải hiện tượng nhất thời, mà lặp đi lặp lại hàng năm. Nếu không giải quyết gấp vấn đề, người dân sẽ rơi vào tâm lý là càng sản xuất càng rủi ro", Bộ trưởng nhận định.
Cụ thể, vị trí xây dựng công trình nằm ở đầu cầu phao Km3+Km4 sông Ka Long, phường Hải Yên. Trung tâm gồm các hợp phần: Khu làm việc cho liên ngành cửa khẩu và khu nhà điều hành; Hệ thống kho khô, kho lạnh, kho ngoại quan chứa hàng, bến bãi hàng hóa chờ xuất khẩu, nhập khẩu...
Hệ thống kinh doanh dịch vụ tổng hợp gồm hệ thống ki-ốt trưng bày sản phẩm kết hợp văn phòng làm việc cho doanh nghiệp, khu văn phòng cho ngân hàng; Khu phức hợp phục vụ các hoạt động tổ chức hội thảo, xúc tiến thương mại. Trên quy mô 95,3 ha, trung tâm sẽ được xây dựng qua hai giai đoạn: 2022-2025 và 2025-2030.
"Việc xây dựng trung tâm giao dịch không phải nhiệm vụ riêng của Bộ NN&PTNT hay Bộ Công thương, mà là giúp ích cho Quảng Ninh, tạo tiền đề cho các giải pháp tháo gỡ ùn tắc nông sản. Trên mô hình thí điểm, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương khác như Lạng Sơn, Lào Cai... để tổ chức các cơ sở tương tự.
"Ý nghĩa sâu xa của trung tâm nông sản là giúp người dân bỏ được tư duy xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, người dân sẽ mạnh dạn đưa hàng lên cửa khẩu, trực tiếp đàm phán với doanh nghiệp Trung Quốc, thậm chí đưa nông sản "chạy thẳng" lên Bắc Kinh, Thượng Hải trong tương lai. Thậm chí, nếu làm được, bà con sẽ không còn bỡ ngỡ khi đưa nông sản ra những thị trường như Mỹ, châu Âu...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh Phạm Văn Thành đánh giá cao Bộ NN&PTNT trong việc đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc tham mưu, xây dựng Trung tâm Giao dịch nông, lâm, thủy sản.
Ông Thành nêu thực trạng của kinh tế biên mậu và khu vực cửa khẩu hiện chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Chuyện ùn ứ nông sản từ các nơi khác đổ về khó tránh khỏi, nhất là khi giữa người bán nông sản với cửa khẩu và phía Trung Quốc không được thông suốt thông tin.
Bên cạnh nhiệm vụ chính là giúp lưu thông hàng hóa, nông sản, trung tâm giao dịch được Quảng Ninh kỳ vọng là sẽ tích hợp đa giá trị, như dịch vụ công, kiểm dịch tại chỗ... Qua hình mẫu ở Quảng Ninh, tỉnh hy vọng Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp căn cơ, bài bản để điều tiết nông sản chung cho cả nước.