Ngành nông nghiệp nỗ lực vượt 'bão Covid' để duy trì sản lượng

(DNTO) - Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng trong tháng 8/2021, ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản lượng để thực hiện "mục tiêu kép", góp phần khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Tháng 8/2021, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhưng toàn ngành vẫn vượt khó để duy trì sản xuất. Ảnh: TL.
Tháng 8/2021, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, làm đứt gãy các nguồn cung ứng – tiêu thụ nông sản toàn cầu, giá cả vật tư leo thang chóng mặt cùng với những khó khăn về thiếu hụt nguyên liệu..., đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc…, gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn..., tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.
Trên cơ sở nhận định tình hình, ngay từ đầu tháng 8, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xác định: Biến “nguy thành cơ”, từng bước phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy 1.955,9 nghìn ha, tăng 10,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước.
Trong các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, tính chung 8 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng rừng, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ động kịch bản tăng trưởng cho cuối năm
Trên cơ sở nhận định tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, đe doạ tăng trưởng ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng gợi mở những hướng đi, cách làm mới.
Theo đó, Bộ trưởng Hoan cho biết, toàn ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp kể cả trước mắt và lâu dài về việc phải tái cơ cấu ngành; phòng chống dịch bệnh, đảm bảo duy trì sản lượng trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm OCOP), theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng. Triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.
Đáng chú ý, toàn ngành sẽ tập trung phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản bằng việc thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, và nhân rộng "luồng xanh", "vùng xanh" cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn…
Đồng thời đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam (hoa quả, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi,…) xuất khẩu chính ngạch trên cơ sở theo dõi sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại các thị trường đối tác; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CPTPP…
Cùng với việc quan tâm tới các thị trường, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước.
Toàn ngành ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, toàn ngành sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc để giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Đặc biệt "mạnh tay" với dự án đầu tư công "lụt" tiến độ, nhằm tạo ra các dự án góp phần thúc đẩy tăng trưởng, làm bệ đỡ sản xuất cho ngành nông nghiệp bứt phá.