Doanh nghiệp gồng mình duy trì '3 tại chỗ' để giữ bạn hàng và người lao động
(DNTO) - Dù chi phí thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì vì lo ngại sẽ bị thay thế trên thị trường.
Lo ngại mất bạn hàng nếu dừng sản xuất
Công ty TNHH Saigon Stec (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) - chuyên cung cấp module máy ảnh cho máy tính bảng, điện thoại…, là doanh nghiệp đang thực hiện có hiệu quả mô hình “3 tại chỗ” với 2.000 công nhân đang duy trì làm việc trong tổng số 6.600 công nhân của công ty.
Ông Wada Kazuhito, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, sắp tới, công ty sẽ triển khai thêm phương án “1 cung đường – 2 điểm đến”, để có thể đưa thêm 3.000 công nhân trở lại làm việc và tiến tới đủ 6.600 công nhân.
Tại nhiều công ty khác ở các khu công nghiệp tại TP.HCM, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, với số lượng công nhân làm việc 30-50% so với bình thường.
Từ ngày 12/7, công ty Pepperl + Fuchs (doanh nghiệp FDI của Đức chuyên sản xuất sản phẩm về công nghệ như cảm biến, thiết bị truyền tín hiệu tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM), đã thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” với 206 công nhân trong số 879 lao động của công ty.
Ông Nguyễn Uy Danh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pepperl+ Fuchs Việt Nam, cho biết, đối với công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, công ty lo đủ 3 bữa ăn cho người lao động, trong đó hai bữa chính trị giá 30.000 đồng/suất/người và trả lương 175%. Mỗi tuần, công ty sẽ xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người lao động 2 lần.
Tại Cholimex, trong hơn 40 ngày qua, công ty duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” với 900 lao động (giảm 1/2), sản lượng hiện chỉ bằng 70% so với bình thường. Đại diện Cholimex cho biết, mặc dù chi phí lo ăn ở tại chỗ, tiền phụ cấp cho công nhân, tiền xét nghiệm rất lớn nhưng công ty vẫn phải tiếp tục hoạt động để giữ bạn hàng, thị trường và người lao động.
Công ty Dược phẩm An Thiên cũng đang tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” với hơn 120 công nhân và nỗ lực hoàn thành 10.000 túi thuốc dành cho các F0 tự chữa trị.
Đại diện của nhiều công ty và người lao động mong muốn được hỗ trợ tiêm phòng mũi vaccine thứ hai tại công ty để tiếp tục sản xuất, bởi dù chi phí bỏ ra để thực hiện "3 tại chỗ" là rất lớn, nhưng thiệt hại nếu ngừng sản xuất, mất bạn hàng còn lớn hơn nhiều. Đặc biệt là khi nhà nhập khẩu tìm được đối tác thay thế, cơ hội quay trở lại chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn.
Chỉ sản xuất khi bảo đảm an toàn cho người lao động
Chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp và người lao động đang gặp phải trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành liên quan đang rất nỗ lực, tìm kiếm các giải pháp tốt nhất có thể trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Sau khi nắm bắt được những bất cập của giải pháp "3 tại chỗ", ngày 6/8, Bộ Công thương đã có văn bản gửi tới Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung một số giải pháp liên quan đến tiêm phòng và phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý doanh nghiệp cần xác định “sống chung với dịch” để có những phương án hoạt động phù hợp.
Cụ thể, trong hướng dẫn của Bộ Công thương, điều kiện để doanh nghiệp có thể tái sản xuất cần phải tiêm cho người lao động 1 mũi vaccine trở lên. Điều kiện thứ 2 là người lao động phải được hỗ trợ xét nghiệm nhanh (2 ngày/lần), xét nghiệm PCR (1 tuần/lần) và phải tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
“Đặc biệt, doanh nghiệp qua hoạt động thực tiễn trong thời gian qua gặp những khó khăn, bất cập nào cần chủ động đề xuất cơ chế, chính sách để Chính phủ tháo gỡ kịp thời”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.