Tổ Công tác 970 hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
(DNTO) - Nhằm giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản, đồng thời giúp người tiêu dùng tại TP.HCM mua hàng với giá hợp lý, Tổ Công tác 970, Bộ NN&PTNT đã thí điểm chương trình bán nông sản theo túi với 5 loại rau, củ, quả đồng giá 100.000 đồng tại TP.HCM, chỉ sau 2 ngày triển khai đã bán thành công 3.700 túi.
Hỗ trợ đầu ra cho nông sản
Chương trình bán túi nông sản theo combo với 5 loại rau, củ, quả là ý tưởng mới của Tổ Công tác 970, rút kinh nghiệm sau chương trình kết nối thu mua nông sản tặng 15.000 phần cho người lao động nghèo tại TP.HCM.
Theo đó, Tổ Công tác 970 Bộ NN&PTNT tiếp tục thí điểm thêm chương trình bán nông sản theo túi 10kg với 5 loại khác nhau đồng giá 100.000 đồng.
Nông sản được chọn là những loại đang có giá rẻ, nông dân gặp khó trong đầu ra tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19, dễ vận chuyển, ít hư hỏng như: Khoai lang, khoai môn nhỏ, dưa leo, củ cải trắng… và một số loại trái cây khác.
Nhiều dấu hiệu tích cực khi người dân tại các khu cách ly, khu công nhân được mua nông sản với giá bình quân 10.000 đồng/kg.
“Ý tưởng này vừa giúp đỡ nông dân sản xuất có đầu ra tiêu thụ nông sản, vừa giúp người tiêu dùng tại TP.HCM mua được nông sản với giá hợp lý. Chương trình đang được nhiều cán bộ tại nhiều tỉnh tham gia và người mua tại TP.HCM ngày càng tăng. Hai ngày qua nông dân đã bán được 37 tấn, tương đương 3.700 túi sản phẩm" - Tổ Công tác 970 cho biết.
Theo hạch toán chi phí của Tổ Công tác 970, giá mua nông sản tại vùng sản xuất bình quân là 6.000 đồng/kg, còn lại là chi phí thu gom, đóng gói, vận chuyển lên TP.HCM, thuê kho và phân phối đến tay người tiêu dùng. Chương trình này cũng đang được rất nhiều địa phương triển khai và thu hút nhiều người tiêu dùng.
6 giải pháp tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, tình hình lưu thông vận chuyển nông sản, và việc đi lại của lực lượng lao động nông nghiệp tại một vài địa phương vẫn còn dấu hiệu chưa thông thoáng.
Trên cơ sở tình hình thực tế, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất 6 giải pháp để tiếp nối kết quả mà tổ đã thực hiện ở các tỉnh, thành phía Nam.
Cụ thể: Một, đề nghị sở NN&PTNT các tỉnh Nam bộ tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện cho nhân công, máy móc thu hoạch lúa, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyển, xay xát, chế biến, tiêu thụ lúa gạo được thuận lợi.
Hai, đề nghị sở NN&PTNT các tỉnh Nam bộ thành lập, củng cố, duy trì và phát triển tổ công tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản tại địa phương, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Tổ Kết nối của Bộ NN&PTNT trong thời gian giãn cách xã hội.
Ba, tăng cường các hình thức liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, kết nối cung cầu của tất cả các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương, liên kết rải vụ thu hoạch nông sản để chủ động cung ứng.
Bốn, rà soát, triển khai các kế hoạch sản xuất có tính toán đến thời gian bình thường mới, đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí trong tất cả các hoạt động của chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Năm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất, hạn chế tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả và các hoạt động thương mại có thể dẫn đến khan hiếm hoặc tăng giá cục bộ.
Sáu, sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với sở Giao thông Vận tải tháo gỡ các khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản, đồng thời đề xuất với UBND tỉnh các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.