Mỗi ngày Tổ Công tác 970 kết nối tiêu thụ từ 200-400 tấn nông sản
(DNTO) - Theo báo cáo của Tổ Công tác 970, trung bình mỗi ngày tổ kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200-400 tấn nông sản. Đồng thời, đến nay đã có tổng số 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản.
Tiêu thụ đến 400 tấn nông sản mỗi ngày
Chiều 17/8, tại cuộc họp về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho hay, đến nay đã có tổng số 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua đơn vị này.
Trong đó, rau củ có 317 đầu mối; trái cây: 302 đầu mối; thủy hải sản - chăn nuôi: 423 đầu mối; lương thực: 72 đầu mối; các mặt hàng khác: 52 đầu mối.
Tổ công tác cho hay, nhờ trang web kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại, thông tin sản phẩm cần mua, cần bán trên web.
Ngoài ra, tổ công tác đã ứng dụng mạng Zalo và email vào việc gửi thông tin các đầu mối cung cấp đến các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn của TP.HCM, hệ thống nhân viên mua hàng các siêu thị.
Theo đó, mỗi ngày, Tổ công tác kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200-400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản (tôm càng xanh, tôm thẻ, cá tra, cá rô phi), các loại rau gia vị, hàng rau củ quả (chủ yếu dưa leo, củ sắn, bầu, bí…).
Dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ thông qua tổ sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP.HCM được hoạt động trở lại; nhiều tiểu thương đã liên hệ các đầu mối đặt hàng.
Tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản gặp khó
Theo báo cáo của Tổ Công tác 970, dịch Covid-19 lây lan rộng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà sản xuất, chế biến thủy sản đang vào thời điểm tăng tốc xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp rơi vào khốn khó. Tại nhiều tỉnh, đã có đến 50% công nhân nghỉ việc, dẫn tới phải giảm công suất, thậm chí đóng cửa.
Cụ thể, số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở (có ca nhiễm Covid-19 phải dừng sản xuất là 19 cơ sở và 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ).
Như vậy, còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%. Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.
Do TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021 nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí "3 tại chỗ" rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản.
“Dịch lan rộng vào đúng thời điểm tăng tốc xuất khẩu và thủy sản bắt đầu vụ thu hoạch rộ khiến doanh nghiệp bị mất cơ hội kinh doanh. Không ít đơn hàng bị hủy và đối tác đòi bồi thường vì giao hàng trễ. Hiện tại, ở các tỉnh miền Tây, tôm nguyên liệu vào vụ, nhưng doanh nghiệp cũng không thu mua, vận chuyển được, dẫn tới tôm thừa tại ao nhưng nhà máy lại thiếu nguyên liệu để chế biến” - Tổ Công tác thông tin.
Bên cạnh đó, giá cá tra giống rất thấp (21.000-23.000đ/kg); giá cá tra thương phẩm thấp kéo dài (khoảng 21.000đ/kg); giá tôm xuống thấp gần đây nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trước những vướng mắc của ngành thủy sản, bộ đã đề nghị các địa phương có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, không để tình trạng thiếu lao động trong các nhà máy kéo dài. Đồng thời, đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho thương lái, doanh nghiệp thu mua hoạt động.
Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách về vốn (giãn nợ, giảm lãi suất và cho vay ưu đãi,…) đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất trong năm 2021.