Thu hút FDI: Muốn đón 'đại bàng', không thể ôm tư duy cũ
(DNTO) - Lần đầu lọt top 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới là minh chứng cho thấy, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn đầy hấp dẫn với "đại bàng" trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng để đạt mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Hai năm qua, khái niệm "làm tổ đón đại bàng" được nhắc đến với kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn FDI chất lượng ngày càng cao vào Việt Nam.
Trong thực tế, Việt Nam đã thu hút được một số dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo…, nhưng chưa đạt kỳ vọng về thu hút vốn FDI trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, biến động đáng chú ý trong hoạt động thu hút FDI 7 tháng đầu năm 2021, dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh, vốn thực hiện giảm 14,3% so với tháng 7/2020, và giảm 39,7% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, chỉ có 1,26 tỷ USD vốn FDI được giải ngân trong tháng 7/2021, thấp đáng kể so với con số 1,5 - 2 tỷ USD của các tháng trước.
Ngoài vốn đầu tư đăng ký mới tăng so với cùng kỳ, cả vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đều giảm. Nếu tính về số lượng dự án thì giảm đều ở cả phần dự án mới, dự án tăng vốn và số lượt góp vốn, mua cổ phần...
Theo phân tích của GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, việc giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần có nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19. Thế nhưng, cũng có nguyên nhân chủ quan do các thủ tục đầu tư kinh doanh vẫn còn là rào cản, và hoạt động xúc tiến đầu tư của các địa phương thiếu sự chủ động, kém hiệu quả vì làm theo cách truyền thống.
Đồng quan điểm, PGS.TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, hiện Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón làn sóng FDI thứ 4 với những “đại bàng” công nghệ đầy tiềm năng. Nhưng để tận dụng được cơ hội này không đơn giản, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với thu hút FDI, nhất là tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trình độ cao, sản xuất thông minh.
"Đại dịch Covid-19 cũng buộc chúng ta phải định hình lại các dòng đầu tư, cùng sự phát triển công nghệ dẫn đến cách định hình lại FDI đang diễn ra. Nếu ta tiếp tục thực hiện các cách thức cũ sẽ tiến lên rất chậm, thậm chí tụt hậu”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, khu vực FDI xuất hiện được 1/3 thế kỷ đã giúp cho kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên, nhưng FDI chủ yếu gia công, sử dụng lao động giản đơn, 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với doanh nghiệp trong nước, sức lan toả về công nghệ, quản trị chưa cao. Một bộ phận doanh nghiệp FDI còn gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi chính quyền địa phương, nhưng chưa đóng góp tương xứng, kinh doanh chộp giật… Nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
“Làn sóng FDI lần thứ 4 không chỉ chạy theo số lượng dự án, mà còn nâng cấp chất lượng tăng trưởng. Do đó, các địa phương cần chuẩn bị năng lực rất lớn, nếu không sẽ như những năm trước, tuyên bố rất lớn lao nhưng không đủ năng lượng để đón dòng FDI, hoặc lại đón vào những dự án không mong đợi", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Linh hoạt điều chỉnh giải pháp để "hút" FDI
Thực tế, dòng vốn đầu tư suy giảm không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Tâm lý ngại rủi ro toàn cầu tăng đột biến đã kích hoạt hoạt động rút vốn cổ phần, đặc biệt từ các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi ở Đông Á và Thái Bình Dương. Đặc biệt, làn sóng Covid-19 mới đây bùng phát mạnh ở khu vực Đông Nam Á đang khiến dòng vốn FDI chảy vào khu vực này có xu hướng chậm lại. Do đó, đòi hỏi phải khẩn trương thay đổi tư duy, linh hoạt nắm bắt tình hình để có giải pháp thu hút FDI phù hợp.
Đưa ra giải pháp để hút nguồn vốn FDI, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thủy Trung cho rằng các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước ngành cơ khí theo quy định của pháp luật hiện hành, để thu hút vốn đầu tư và tạo dựng phương thức mới quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tăng tính ràng buộc hơn đối với doanh nghiệp FDI. Phải đảm bảo khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam phải có công nghệ thật sự cao, ngành sản xuất của Việt Nam đang thực sự khuyến khích, mang lại giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, doanh nghiệp đó phải có lộ trình để các doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là khâu nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động Việt Nam trước mắt và lâu dài.
Có như thế, Việt Nam sẽ tận dụng được khối FDI nhằm nâng cao thương hiệu quốc gia thông qua việc nắm bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, để có được lực lượng nòng cốt cho ngành cơ khí hiện đại trong tương lai.
Về phần mình, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong ngắn hạn, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng chậm nhất trong quý I hoặc quý II/2022, để sớm phục hồi nền kinh tế một cách cơ bản, không bị lỡ nhịp đón dòng vốn FDI dịch chuyển.
Ðồng thời, sớm sơ kết đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài và có cập nhật, điều chỉnh, cụ thể hóa chính sách, giải pháp phù hợp. "Ðây là điều kiện tiên quyết để duy trì, phát huy tính hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài", TS. Lực nhấn mạnh.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm
1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 10,13 tỷ USD, giảm 37,9% về số dự án và tăng 7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2020.
561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD, giảm 9,4% về số dự án và giảm 3,7% về vốn.
2.403 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 46,1% về số lượt góp vốn và giảm 55,8% về vốn góp so với cùng kỳ.