20/25 tỉnh biên giới tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước
(DNTO) - 6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh biên giới có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước, đặc biệt nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực biên giới tiếp tục phát triển.
Kinh tế khu vực biên giới duy trì tăng trưởng dương
Trong Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới do Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và 25 tỉnh biên giới tổ chức sáng 16/8, Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) đã công bố báo cáo tổng hợp về tình hình phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Theo báo cáo, kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương. Nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước. Năm 2020, 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số, điển hình như Quảng Ninh. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực vực biên giới tiếp tục phát triển. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nông lâm thủy sản tăng trưởng ở mức khá.
Bước đầu, một số hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới đã được hình thành như hệ thống khu kinh tế cửa khẩu và cụm công nghiệp. Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.
Các tỉnh biên giới cũng đang phối hợp khá tốt với các nước bạn trong quản lý, điều hành hoạt động của các cửa khẩu, không làm gián đoạn các hoạt động xuất nhập khẩu; đồng thời thực hiện khá tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm phòng chống Covid-19.
Tuy nhiên, theo nhận định từ Bộ Công thương, quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới còn khó khăn do cơ cấu kinh tế vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ.
Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu. Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%).
Hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới còn rất hạn chế, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn. Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu (như trung tâm logistics), các hạ tầng thương mại biên giới (như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại) phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm.
8 giải pháp cần thực hiện để thúc đẩy kinh tế biên giới
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, việc kinh tế biên giới còn chậm phát triển do thiếu ngân sách đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại (nhất là tư nhân) đầu tư vào khu vực biên giới (rủi ro, lợi thế cạnh tranh thấp…).
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng cho rằng đó là vấn đề của quy hoạch, chủ trương và cơ chế chính sách chưa hợp lý và đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới. Cùng với đó, công tác đầu tư quản lý cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu phát triển: Việc nâng cấp, mở mới cửa khẩu, lối mở biên giới chậm, thủ tục cấp phép, thông quan còn rườm rà, áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, các tỉnh biên giới đang có lơị thế thu hút đầu tư phát triển kinh tế trẻ với việc khai thác thị trường hơn 1,5 tỷ dân Trung Quốc; khai thác thị trường ASEAN và thị trường các nước mà Việt Nam là thành viên (FTA).
Do vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh thực hiện 8 nhóm giải pháp. Trọng tâm là tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp – thương mại trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, khẩn trương tích hợp Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nhất là phát triển công nghiệp – thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn.
Có chính sách đủ hấp dẫn, tận dụng FTA để thu hút đầu tư tư nhân, nguồn lực xã hội phát triển công nghiệp, nông nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, hạn chế và tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại biên giới.
Ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ.
Đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương; chú trọng kiểm soát thị trường để ngăn chặn hành vi buôn lậu và gian lận thương mại.
Về những kiến nghị của địa phương, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được hơn 200 kiến nghị rất cụ thể, chi tiết của 25 tỉnh và sẽ tiếp tục tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Trung ương có chủ trương và cơ chế chính sách cụ thể.