Cấp C/O nhanh nhất để vải thiều dễ dàng thông quan qua cửa khẩu
(DNTO) - Trước lo ngại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của vải thiều cũng như nông sản Bắc Giang, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết đã chuẩn bị kỹ các phương án tìm đầu ra cho loại đặc sản này.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, các bộ, ngành và tỉnh, thành hôm 19/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kêu gọi sự hỗ trợ của các bên để giúp Bắc Giang tiêu thụ nông sản, do hàng trăm nghìn tấn nông sản của tỉnh tới vụ thu hoạch nhưng đang bị nghẽn, khó lưu thông vì vướng kiểm dịch Covid-19.
Trao đổi với Doanh nhân trẻ về việc hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ nông sản, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động xây dựng các kịch bản cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và hậu Covid-19.
Các phương án giúp tiếp cận với doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; các đối tác tiềm năng để giới thiệu các mặt hàng chủ lực để xuất khẩu; kết nối cung cầu với các doanh nghiệp, địa phương xuất khẩu hàng hóa chủ lực; mở rộng tiếp cận thị trường, tận dụng các cam kết của Việt Nam cũng đã được triển khai.
Bộ này cho biết đã chủ động tiếp cận các nhà đầu tư khu vực châu Âu, châu Mỹ để xúc tiến những hoạt động thương mại, đầu tư các lĩnh vực trọng yếu như phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ và các lĩnh vực khác của ngành Công thương; tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và quảng bá, phát triển các thương hiệu quốc gia, ngành hàng, sản phẩm.
Đối với hoạt động tiêu thụ vải thiều năm 2021 của tỉnh Bắc Giang, Bộ Công thương đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều theo hình thức trực tuyến kết nối với các điểm cầu trong nước và tại nước ngoài.
Dự kiến sẽ có 4 điểm cầu tại Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây 2 điểm, tỉnh Vân Nam 2 điểm), cùng các điểm cầu tại Nhật Bản (Tokyo, Osaka), Úc (Sedney và tại trụ sở một số tập đoàn bán lẻ, nhà nhập khẩu), Singapore (tại trụ sở cơ quan Thương vụ Việt Nam và trụ sở một số tập đoàn bán lẻ, nhà nhập khẩu) với sự tham gia của các cơ quan thương mại, đại diện các tập đoàn bán lẻ, nhà nhập khẩu nước sở tại.
Đặc biệt, để vải thiều và các hàng hóa dễ dàng thông quan, Bộ Công thương đã chỉ đạo các phòng xuất nhập khẩu khu vực trên cơ sở quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cấp Chứng nhận Xuất xứ hàng hóa (C/O) một cách nhanh nhất.
Với các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc, Sở Công thương các tỉnh thường xuyên phối hợp, trao đổi với các ngành chức năng của cửa khẩu nước bạn, tạo điều kiện thông thoáng cho hàng hóa của Việt Nam lưu thông qua cửa khẩu. Đồng thời, tận dụng các chính sách ưu tiên trong thông quan hàng hóa nhất là hàng nông sản để xuất khẩu; cập nhật thường xuyên về thông tin, nhu cầu thị trường để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong xuất khẩu.
Để tất cả doanh nghiệp tiếp cận hoạt động xúc tiến thương mại với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất, các nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng vào xúc tiến thương mại như cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến về xúc tiến thương mại (CRM), cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại, hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ)…
Hiện Bắc Giang là điểm dịch nóng nhất cả nước, với 668 ca nhiễm tính từ 27/4. Niên vụ 2021 toàn tỉnh Bắc Giang có 28 nghìn hecta vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch sớm từ 20/5 và chính vụ từ 10/6 đến 20/7.
Tại 2 “thủ phủ” vải thiều của Bắc Giang là Lục Ngạn và Tân Yên đã thiết lập vùng an toàn để tiêu thụ nông sản; việc thu hoạch, thu mua vải thiều được thực hiện đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Năm 2020, Cục Xúc tiến Thương mại đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong nước và 4 điểm cầu tại Trung Quốc (tỉnh Vân Nam 2 điểm cầu, tỉnh Quảng Tây 2 điểm cầu) với sự tham dự của gần 3000 đại biểu tại các điểm cầu.
Ngoài ra, tạo điều kiện cho 127 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đến tỉnh Bắc Giang tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều về nước, tổ chức các phiên giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore để tìm đầu ra cho vải thiều.
Kết quả năm 2020, tổng sản lượng xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang ước đạt 78.200 tấn, chiếm 47,5% tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều, được xuất chủ yếu sang Trung Quốc và một số nước như EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, khu vực Trung Đông…
Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc ước đạt 77.300 tấn, chiếm 98,8%, các thị trường còn lại ước đạt 900 tấn, chiếm 1,2% sản lượng xuất khẩu.