Vải thiều Bắc Giang không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
(DNTO) - Dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng các trường hợp bệnh đa phần tập trung tại các khu công nghiệp; vùng sản xuất vải thiều được đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết vào hôm nay, 17/5.
Theo ông Trần Quang Tấn, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch sản xuất vải thiều đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Kế hoạch gồm các nội dung nhằm bảo vệ vùng sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh Covid-19: cách ly tập trung tại tỉnh các đối tượng F1 để đảm bảo tại huyện Lục Ngạn không có đối tượng F1; lập các chốt kiểm tra y tế trên những tuyến đường trục chính vào vùng sản xuất vải thiều tập trung, bao gồm kiểm tra, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện ra vào vùng trồng vải thiều; tiến hành lập danh sách và kiểm tra y tế đối với tất cả các mã số vùng trồng vải; các trang trại, các tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải phải đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19; lập danh sách và kiểm tra y tế đối với các cơ sở đóng gói, sơ chế quả vải thiều trên địa bàn và với các lái xe, phương tiện tham gia vận chuyển tiêu thụ vải thiều; lập chốt và kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các nhân công lao động tham gia thu hái vải thiều, đóng gói, vận chuyển.
Đồng thời đẩy mạnh chỉ đạo sản xuất vải thiều đảm bảo chất lượng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các mã số vùng trồng, các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng vải trên địa bàn các biện pháp phòng dịch bệnh và sản xuất vải an toàn. Phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu, nhằm đảm bảo tất cả các lô quả vải xuất khẩu đều đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.
Tỉnh cũng lập hồ sơ xác nhận sản xuất an toàn dịch Covid-19. Theo đó, đối với các mã số vùng trồng, trang trại, hộ sản xuất vải thiều: Có xác nhận của huyện về diện tích vải sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ...; các mã vùng trồng được xác nhận thu hoạch từ các vùng an toàn dịch bệnh.
Đối với các cơ sở đóng gói trên địa bàn: Có xác nhận cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quả vải đưa vào sơ chế, đóng gói phải có xác nhận vải an toàn, có nguồn gốc được thu hái từ các mã số vùng trồng; có xác nhận cơ sở an toàn đối với dịch bệnh Covid-19.
Đối với các phương tiện tham gia vận chuyển quả vải thiều đi tiêu thụ: Phải có xác nhận người và phương tiện đã được kiểm tra an toàn dịch bệnh; phương tiện và hàng hóa đi từ vùng an toàn dịch bệnh; toàn bộ phương tiện và hàng hóa đã được phun khử khuẩn theo quy định.
Cũng theo ông Tấn, diện tích vải toàn tỉnh năm 2021 là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2020).
Trong đó, diện tích vải sớm 6.050 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap 15.200 ha, sản lượng ước đạt 125.000 tấn; vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch từ ngày 20/5 đến ngày 10/6/2021; vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 20/7/2021.
Ông Tấn cũng cho biết, tỉnh đã xây dựng ba kịch bản tiêu thụ vải thiều cho các tình huống dịch bệnh khác nhau. Cụ thể, nếu dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi thì sản lượng tiêu thụ trong nước sẽ là 50%, 50% xuất khẩu. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát thì sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu, khoảng 50.000 tấn. Nếu dịch ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, 180.000 tấn vải thiều sẽ được tiêu thụ hoàn toàn trong nước.
Riêng về tình hình nhập cảnh của các thương nhân Trung Quốc, ông Tấn nói thêm, Bộ Công an đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Bắc Giang, cho phép 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều. Tuy nhiên, khi các thương nhân này vào Việt Nam sẽ có xe chuyên dụng đón tại cửa khẩu đưa về nơi cách ly tập trung trong vòng 21 ngày.
Tại TP.HCM, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết từ 25/5 tới đây, đơn vị sẽ tiêu thụ 400-500 tấn vải Lục Ngạn của Bắc Giang và vải Buôn Mê Thuột.