Doanh nghiệp Việt cần làm gì để từ 'ao làng' vươn ra 'biển lớn'?
(DNTO) - Hơn 90% doanh nghiệp Việt tiềm lực yếu, vốn mỏng, chưa quen với "sóng lớn" của thương trường, dẫn tới năng lực cạnh tranh yếu trong cuộc chơi với đối thủ hơn hẳn về tầm vóc. Do đó, để không mãi quanh quẩn ở "ao làng", cần thay đổi tư duy, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển.
"Đòn bẩy" trong mùa dịch
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng. Nhìn vào mặt tích cực, đây được ví như là một “cú hích” lớn đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số đang lan toả trên toàn cầu.
Theo đó, việc đánh giá mức độ sẵn sàng với chuyển đổi số của các doanh nghiệp giữa cơn bão Covid-19 là rất cần thiết, nhằm tìm ra những “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp có sức "bật" phục hồi tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển.
Phó tổng giám đốc Công ty Dr SME Vũ Tuấn Anh cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà còn mang tính chất "sống còn" với doanh nghiệp, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài “đè bẹp”, dẫn đến “chết yểu”.
"Luật chơi trong tương lai sẽ là “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp “cá mập”, nếu không chịu chuyển đổi số thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp “đàn em” thích nghi nhanh với 4.0" - ông Vũ Tuấn Anh nhận định.
Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, chuyển đổi số được xác định là chìa khóa phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Trong bối cảnh đại dịch, việc đầu tư công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số được xem là một giải pháp kinh doanh linh hoạt, giúp doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
"Nếu dũng cảm bước lên hành trình chuyển đổi số thì đây sẽ là đòn bẩy rất tốt để doanh nghiệp tăng sức "đề kháng", có thể tận dụng sức mạnh đặc thù, tri thức bản địa và các điều kiện riêng biệt để vươn lên phát triển, xâm nhập thị trường toàn cầu và cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ tại cấp độ quốc gia và toàn cầu" - ông Tuấn Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp Việt dễ bị tổn thương vì chậm chuyển đổi, nên họ rất cần phải dùng đến “đòn bẩy số” để "vá lại các vết thương”. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu.
“Ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp kết nối với nhau tốt hơn, có điều kiện phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường” - ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số hóa và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường.
Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số đã nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường và phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp e dè chuyển đổi số bởi sự thụ động, cứ mãi loay hoay, trồi lên, sụt xuống do thiếu kỹ năng và thiếu nguồn tài nguyên cần thiết, cũng như công nghệ chưa đáp ứng được nền tảng số.
Do đó, theo TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để doanh nghiệp tiến thẳng ra “biển lớn” thì chuyển đổi số phải "đúng" và "trúng", có tiến trình trọng tâm, trọng điểm phù hợp của doanh nghiệp. Theo đó, phải chọn được sản phẩm chiến lược gắn với chuyển đổi số. Điều này rất quan trọng. Mỗi doanh nghiệp phải xác định sản phẩm cốt lõi của mình.
"Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải biết rõ mình muốn gì, mình cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào" - TS. Hiển nhấn mạnh.
Cần thay đổi tư duy, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thị trường chỉ chấp nhận doanh nghiệp nào tuân thủ luật chơi và có đủ cả tiềm lực, năng lực. Do đó, thích ứng với thời cuộc là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp hiện nay.
Nếu chỉ quanh quẩn thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn, vì do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nhiều nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng di chuyển sang Việt Nam. Mà càng nhiều doanh nghiệp di chuyển vào nước ta thì cạnh tranh càng gay gắt, doanh nghiệp trong nước càng bị chèn ép.
Trong sự cạnh tranh và chèn ép ấy, doanh nghiệp Việt phải thay đổi tư duy kinh doanh trước bối cảnh mới, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển.
Chia sẻ tại Diễn đàn "Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19” mới đây, TS. Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để từng bước “chen chân” được vào những chỗ đứt gãy của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới.
"Doanh nghiệp cần phải tiếp tục thay đổi về tư duy kinh doanh, phương thức quản lý doanh nghiệp để phù hợp với điều kiện mới, để đảm bảo sự tồn tại trước mắt và sự phát triển trong tương lai"- ông Nam nhận định.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Đoàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải có tư duy thị trường toàn cầu, chứ không thể quanh quẩn ở “ao làng”. Cũng theo ông Đoàn nhìn nhận, quy mô doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ, bơi trong ao làng đã khó, làm sao để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu?
"Nếu đi thuyền thúng thì 100% không hội nhập nổi, phải thay thuyền thúng bằng thuyền cao tốc nhỏ. Nếu không đủ vốn, 3-4 thuyền thúng phải chập lại để thành thuyền cao tốc. Sức mạnh của thế giới trong thế kỷ tới là sức mạnh của sự liên kết với nhau. Các doanh nghiệp trước hết phải nhận thức được vấn đề này.
Nếu một doanh nghiệp “thuyền thúng” tích góp được để mua một thuyền cao tốc thì rất lâu và lúc đó mình đã tụt hậu rồi, chính vì thế phải liên kết lại để có những con thuyền cao tốc kịp thời vươn khơi. Cần tăng cường liên kết, hỗ trợ, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước, cần vượt qua chính mình, từ bỏ thói quen làm ăn “chụp giật”, thiếu liên kết chuỗi..." - ông Đoàn nêu giải pháp..
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm UBKT của Quốc hội, hiện nay, để ra "biển lớn" thì có thể bắt được nhiều cá lớn nhưng cũng phải chuẩn bị để đương đầu, vượt qua sóng lớn và chọn luồng lạch phù hợp mà đi. Do đó, các doanh nghiệp phải biết mình mạnh - yếu ở đâu để có sự chuẩn bị nội lực kỹ càng, biết người, biết ta…
"Điển hình như thành công của Tân Hiệp Phát ngày hôm nay là nhờ họ chọn được thị trường đúng, đi vào thị trường từ trước đến nay đang bỏ ngỏ và có thị phần để mở rộng. Yếu tố thứ hai giúp họ trở thành doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực đồ uống là đi thẳng vào công nghệ hiện đại ngay. Công nghệ sản xuất của họ có trình độ tương đương với các nước tiên tiến. Thêm nữa, họ chọn nhân sự cấp cao nước ngoài để quản trị doanh nghiệp của mình. Đây là một trong những yếu tố giúp Tân Hiệp Phát chuyển mình thành công" - ông Kiên dẫn chứng.
Ngoài ra, ông Đoàn cũng cho rằng, phải làm sao hình thành được văn hóa kinh doanh đàng hoàng, minh bạch, tuân thủ pháp luật chứ không phải dựa vào “kỹ xảo”. Muốn thế, phải tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính, kiến tạo.
"Nếu các dự án cứ dựa vào “sân sau”, “sân trước”, hay muốn có dự án phải “bôi trơn” thì sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh méo mó và dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm, tạo ra những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, thì sẽ "chết" ngay tại sân nhà chứ chưa nói đến ra "biển lớn" - ông Đoàn nhấn mạnh.